Cố gắng tạo các điều kiện tối ưu cho việc làm quen: Hãy đảm bảo là
không ai bị đói, lạnh hoặc mệt mỏi. Gặp gỡ, làm quen với nhau qua bữa ăn
nếu có thể được, thức ăn làm cuộc gặp mặt trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ. Đó là
lý do tại sao ở Hollywood mọi người lại đi “ăn trưa” cùng nhau.
Ðể mọi người đều nói: Không ngắt lời người khác. Nói to hơn, nhanh
hơn không làm cho ý tưởng của bạn tốt hơn chút nào cả.
Hãy kiềm chế cái tôi: Khi thảo luận các ý tưởng, hãy gắn nhãn và viết
chúng xuống. Nhãn phải mô tả về ý tưởng, không phải về người có ý tưởng:
“câu chuyện về chiếc cầu” chứ không phải “câu chuyện của Jane.”
Biểu dương lẫn nhau: Hãy tìm vài lời tốt đẹp để nói, ngay cả khi có
một chút nói ngoa. Những ý tưởng tồi tệ nhất vẫn có thể có những nét hay
nếu bạn thật cố gắng xem xét.
Hãy phát biểu các lựa chọn như những câu hỏi: Thay vì nói “Tôi
nghĩ là chúng ta cần phải làm A, chứ không phải B,” hãy cố gắng để nói
“Sẽ như thế nào nếu chúng ta làm A, thay vì B?” Như vậy sẽ cho phép mọi
người đưa ra ý kiến thay vì phải bảo vệ một lựa chọn.
Khi kết thúc bài giảng ngắn, tôi nói với sinh viên là tôi có một cách khá
tốt để điểm danh. “Sẽ dễ dàng hơn cho tôi nếu tôi điểm danh các bạn theo
nhóm.” - tôi nói. – “Nhóm một, các bạn hãy giơ tay lên ... Nhóm hai?...”
Khi tôi gọi mỗi nhóm, các cánh tay giơ lên. “Có ai để ý điều gì không?”
- tôi hỏi. Không ai có câu trả lời. Do vậy tôi gọi lại tên các nhóm. “Nhóm
một?... Nhóm hai?... Nhóm ba?...” Các cánh tay từ khắp các góc trong
phòng lại giơ lên.
Thỉnh thoảng bạn phải tạo một chút kịch tính khi truyền đạt cho sinh
viên, đặc biệt về những vấn đề mà họ nghĩ là họ đã biết. Ðây là những gì tôi
đã làm: Tôi tiếp tục điểm danh cho tới lúc rồi cũng phải lên giọng. “Vì cớ
quái quỷ gì mà các anh các chị vẫn ngồi cùng với bạn của mình?” - tôi hỏi.
– “Tại sao các anh các chị không ngồi cùng những người trong nhóm của
mình?”