Không lâu sau, tôi biết tin Disney Imagineering đang làm một đề án
thực tế ảo. Một đề án tối mật, đó là trò chơi Aladdin cho phép người chơi
cưỡi một tấm thảm thần. Tôi gọi điện tới Disney và giải thích rằng tôi là
một chuyên gia nghiên cứu về thực tế ảo, muốn tìm hiểu thông tin về đề án.
Tôi rất kiên trì, và được chuyển hết người này sang người khác, cho tới khi
được kết nối với một người tên là Jon Snoddy. Ông là một Imagineer tuyệt
vời, người điều hành nhóm đề tài. Tôi cảm thấy như đã gọi tới Nhà Trắng
và được nối với tổng thống.
Chuyện trò được một lúc, tôi nói với Jon là tôi có việc tới California.
“Chúng ta có thể gặp nhau được không?” (Sự thực là, nếu ông nói được, thì
lý do duy nhất đưa tôi đến California là để gặp ông. Tôi sẽ có thể tới tận sao
Hải vương để gặp ông!) Ông ấy đồng ý. Nếu đằng nào tôi cũng đến, thì
chúng tôi có thể cùng ăn trưa.
Trước khi tới gặp ông, tôi đã dành tới tám mươi giờ để chuẩn bị. Tôi đã
nói chuyện với tất cả các chuyên gia về thực tế ảo mà tôi quen biết để trao
đổi các suy nghĩ và câu hỏi về đề án Disney. Kết quả là, khi cuối cùng gặp
Jon, ông đã rất thán phục sự hiểu biết của tôi. (Thật dễ tỏ ra là thông minh
khi bạn thán phục người thông minh.) Kết thúc bữa trưa, tôi thăm dò.
“Sắp tới tôi có một sabbatical.” - tôi nói.
“Đó là cái gì?” - ông hỏi. Tôi thấy ngay tín hiệu đầu tiên của sự khác
biệt văn hóa giữa hai khối hàn lâm và giải trí mà tôi sẽ phải đối đầu.
Sau khi nghe tôi giải thích khái niệm sabbatical, ông nghĩ đấy là một ý
đồ hay nếu tôi dành thời gian nghỉ này để làm việc với nhóm của ông.
Chúng tôi thỏa thuận: tôi sẽ tới sáu tháng, làm việc với đề án, và viết đăng
một công trình về nó. Cũng khá mạo hiểm, vì chưa hề có tiền lệ là
Imagineering mời một người trong giới hàn lâm như tôi tới làm việc bên
trong một đề án mật.
Vấn đề còn lại là tôi cần được các sếp của mình cho phép làm sabbatical
theo kiểu khá kỳ lạ như vậy.