Cặp tân hôn không còn thích thú nhìn ngắm phong cảnh. Tất cả chúng
tôi đều tìm kiếm một khoảng đất trống rộng lẩn quất trong khung cảnh đô
thị. Cuối cùng chúng tôi trôi tới một vùng ngoại ô, và khinh khí cầu nhắm
tới một bãi rộng ở phía xa. Ông quyết định hạ cánh xuống đó. “Sẽ làm
được.” - ông nói trong khi bắt đầu giảm nhanh độ cao.
Tôi nhìn xuống bãi đất trống. Nó tương đối rộng, nhưng có một đường
tàu ở góc bãi. Mắt tôi dõi theo đường tàu và thấy một đoàn tàu đang lao tới.
Lúc đó, tôi không còn là một chú rể nữa. Tôi đã trở thành một kỹ sư. Tôi
nói với người lái khinh khí cầu: “Thưa ông, tôi nghĩ là tôi trông thấy một
biến số ở đó.”
“Một biến số? Đó có phải là thứ mà dân máy tính các anh dùng để gọi
một sự cố?” - ông hỏi.
“Vâng, đúng. Ðiều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta va phải đoàn tàu?”
Ông đã trả lời một cách chân thành. Chúng tôi ngồi trong giỏ của khinh
khí cầu, và khả năng để chiếc giỏ va phải đoàn tàu rất thấp.
Tuy nhiên, chắc chắn có nguy cơ là phần quả bóng khổng lồ (gọi là
phần “vỏ”) sẽ rơi xuống đường tàu khi chúng tôi chạm đất. Nếu đoàn tàu
chạy nhanh vướng vào phần vỏ bị rơi, chúng tôi sẽ gặp nguy hiểm khi ở bên
trong một chiếc giỏ bị kéo lê. Trong trường hợp đó, bị thương không chỉ là
có thể mà còn khá chắc chắn.
“Khi cái này chạm đất, hãy chạy nhanh nhất có thể” - người lái khinh
khí cầu nói. Ðó chẳng phải những lời mà các cô dâu muốn nghe trong ngày
cưới. Tóm lại, Jai đã không còn thấy mình như một nàng công chúa Disney.
Và tôi thì thấy mình như một nhân vật trong phim thảm họa, nghĩ xem mình
phải cứu cô dâu mới của mình ra sao khi thiên tai đang ập đến.
Tôi nhìn vào mắt người lái khinh khí cầu. Tôi hay dựa vào người có
kinh nghiệm. Tôi không có nó, nên muốn biết ông ta ra sao. Trên khuôn mặt
của ông, nhiều hơn sự lo âu, tôi thấy sự hoảng sợ, và cũng thấy cả sự hãi
hùng. Tôi nhìn Jai. Cho tới lúc này, tôi vui mừng với cuộc hôn nhân của
chúng tôi.