23. Tôi đang đi tuần trăng mật, nhưng nếu bạn cần tôi…
Một hôm, Jai bảo tôi đi mua mấy thứ đồ tạp phẩm. Sau khi đã tìm được
tất cả các thứ trong danh sách, tôi nghĩ sẽ ra khỏi cửa hàng nhanh hơn nếu
dùng cửa tự quét giá hàng. Tôi quẹt thẻ tín dụng vào máy, rồi theo chỉ dẫn,
tự quét giá các đồ mua. Máy bíp bíp và báo tôi trả số tiền 16,55 đôla, nhưng
lại không in ra hóa đơn. Vậy nên tôi quẹt lại thẻ tín dụng và quét lại giá các
thứ đã mua.
Ngay sau đó, máy in ra hai hóa đơn. Máy đã tính tiền tôi hai lần.
Lúc đó, tôi phải đưa ra một quyết định. Tôi có thể tìm gặp người quản
lý, ông ta sẽ nghe lời giải thích của tôi, điền một tờ khai, rồi mang thẻ tín
dụng của tôi tới máy của ông để bỏ đi một lần tính tiền 16,55 đôla. Tất cả
những việc rắc rối đó sẽ kéo dài mười, thậm chỉ mười lăm phút. Và việc đó
đối với tôi chẳng thú vị chút xíu nào.
Với quỹ thời gian ngắn ngủi của tôi, liệu tôi có nên dành những phút
quý giá như vậy để lấy lại chút ít tiền? Rất không nên. Liệu tôi có khả năng
để trả thừa 16,55 đôla? Tôi có thể. Vậy nên tôi ra khỏi cửa hàng, vui sướng
hơn vì có mười lăm phút thay vì mười sáu đôla.
Suốt đời tôi, tôi luôn ý thức rằng thời gian là hữu hạn. Tôi thú nhận là
mình hơi quá lôgic về một đống thứ, nhưng tôi tin chắc rằng một trong
những việc làm hợp lý của tôi là đã cố gắng quản lý quỹ thời gian sao cho
thật tốt. Tôi đã nói về việc quản lý thời gian cho sinh viên của tôi. Tôi đã
giảng những bài giảng về đề tài này. Và bởi tôi làm điều đó rất tốt, tôi thật
sự cảm thấy đã có thể thực hiện được khá nhiều việc trong cuộc đời tương
đối ngắn ngủi của mình.
Ðây là những điều tôi biết: Thời gian cần phải được quản lý một cách
rõ ràng, giống như tiền bạc. Sinh viên của tôi thường ngạc nhiên về cái
mà họ gọi là “Chủ nghĩa Pausch.” Khi nhắc nhở sinh viên không nên dành