Vị trí Việt Nam của Lí
Có thể kể Lí là triều đại xuyên suốt dài nhất trong lịch sử Việt. Hậu
Lê cai trị từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII nhưng có thời gian gián đoạn vì
Mạc, chưa kể thời Trung hưng chỉ ngồi làm vì. Nguyễn phải trải qua thời kì
làm Chúa còn dài hơn thời làm Vua của mình. Lí, trong sự củng cố ngôi vị
của mình sau thời chông chênh của các triều vua Hoa Lư, đã đặt nền móng
vững chãi cho nền độc lập về sau. Cũng nên nghi ngờ về một ngộ nhận
rằng bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” là của đương thời vì lẽ nó đã
xuất hiện trong truyện tích chiến tranh Lí Tống. Bài thơ thần giáng đó,
trong quyển sách viết ra thế kỉ XIV, thật lạc loài trong thơ văn Lí mà lại có
giọng hùng hổ của thời chống Nguyên: “Như hà nghịch lỗ lai xâm
phạm…”. Tuy nhiên điều lệch lạc đó không làm thay đổi vị trí của Lí trong
lịch sử Việt Nam.
Đã nói, từ sự chọn lựa kinh đô mới, tuy chỉ là “về quê,” nhưng
không phải Lí chỉ giản dị làm một sự chuyển dịch nơi chốn. Tất nhiên Hoa
Lư khuất lấp cũng thật thuận tiện cho sự chống đỡ buổi đầu, khiến cho kẻ
thù ngần ngại khi muốn lấn áp, lấy lại uy thế cũ. Nhưng với thời gian kéo
dài trong tình thế mới thì những nhược điểm sẽ lộ ra: Khung cảnh chật chội
của Hoa Lư đóng khung tầm mắt của người nắm quyền – và cả những thế
lực khác muốn tranh quyền, khiến cho sự tranh chấp chỉ quanh quẩn trong
một khu vực nhỏ hẹp. Ưu thế xa khuất đối với chủ nhân ông cũ lâu dần sẽ
có ý nghĩa của một sự co rút, trốn chạy. Những điều đó đã không xảy ra chỉ
vì Lí dời đô, đến một nơi mà tương lai được bảo đảm bằng các dấu hiệu của
quá khứ. Tách rời khỏi chủ nhân cũ là để đòi quyền riêng biệt của một địa
phương, nhưng muốn tồn tại thì không thể trở về với thời bộ lạc xưa mà
phải là tiếp tục hướng tiến đã mở ra trong thời thuộc trị, chỉ vì giản dị đó là
hướng văn minh đương thời độc nhất, có tính kết tập cao trong vùng. Như
thế sự trở về cựu thủ phủ thuộc địa, trên đại thể sẽ không gây ra sự gãy đổ
trong tình hình quản lí đất nước của người cầm quyền mới, không có sự