BÀI SỬ KHÁC CHO VIỆT NAM - Trang 245

CHƯƠNG X: CUỘC PHÂN TRANH

ĐÔNG VIỆT và TÂY VIỆT

Sự khủng hoảng danh vị gốc rễ của bản thân Lê

tộc trong tình hình phát triển của Đại Việt

Hiến Tông lên ngôi tuy nói rõ là theo đường lối của ông cha quyền

uy nhưng cũng thoáng thấy những dấu hiệu khủng hoảng của thời đại.
Trước nhất là ông thấy sự sa đọa trong tập họp gần gũi gốc gác của dòng
họ, một tập họp quan chức song hành với hệ thống tuyển chọn khoa mục,
được đặt rải rác từ trong ra ngoài để bảo vệ vương tộc. Hệ thống quản lĩnh,
thủ lĩnh đó, như đã nói, càng lúc càng mờ nhạt danh vị, càng rối loạn hư
nát. Chiếu chọn chức thủ lĩnh một năm sau khi lên ngôi (1498) đã có nhận
xét: “Nay những người ở chức (thủ lĩnh) ấy… hùa nhau làm trò nhơ nhuốc,
mặt dày nịnh bợ, quỳ gối chui lòn, nuôi chứa lòng gian, gây mối tệ hại
không sao kể xiết…” Tình trạng đó không xảy ra cho chỉ một bộ phận cai
trị mà lan khắp “quan viên quân sắc trong ngoài cả nước” như lời thống
trách trong tờ chiếu tiếp theo: “Việc quân việc nước không lúc nào hư hỏng
bằng lúc này.” Nhưng điều này thì lại là định mệnh chung cho các vương
triều phương Đông mà Lê noi theo. Mỗi một triều đại khi hưng thịnh theo
một ông vua xuất sắc thì cũng suy tàn theo với những người kế nghiệp an
hưởng trên sự thịnh vượng kia. Lẽ tất nhiên có thể tìm hiểu ở các nguyên
cớ sâu xa hơn nhưng với tính chất tập trung quyền bính vào một tông tộc
như đã thấy thì trách nhiệm của dòng họ cầm quyền, của người đứng đầu
dòng họ cũng không thể là ít.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.