Chiêm Thành mà sự kiện cậu bé về quê ngoại sẽ chỉ là đánh dấu chấm dứt
một giai đoạn hoà hoãn của hai nước vì tình thế bên ngoài trong khi các vấn
đề bên trong giữa hai nước vẫn chưa giải quyết được. Xung đột trở lại là
điều tất nhiên.
Cuộc thân chinh của Anh Tông năm 1312 được ghi là do chúa
Chiêm Chế Chí “phản trắc,” chuyện cũng bình thường của kẻ thắng. Nhưng
ta cũng hiểu là vùng biên cương không thể nào có sự an toàn. Lại cũng vì
sử Chiêm không có nhiều nên ta lấy sử Việt suy ra. Trong trận đánh 1312,
phía Chiêm có “trại chủ Câu Chiêm” chịu làm nội ứng cho Trần, nghĩa là
có một thế lực trên vùng biên giới không lệ thuộc vào Vijaya nhiều lắm, có
thể tự ý hành động khi thấy có cơ hội thuận lợi tại địa phương. Vì thế có
những chuyện “giặc cỏ” cướp đất Địa Lí (1361), cướp người đi chơi xuân
(1365) bán làm nô lấy tiền tiêu. Rối loạn cung đình cũng dẫn đến nhưng vụ
việc cầu cạnh, giúp đỡ. Phía Trần là vụ mẹ Dương Nhật Lễ dẫn quân Chế
Bồng Nga về (1371). Không phải lúc nào phía được nhờ cậy cũng hăng hái
trợ giúp vì thường người có trách nhiệm đã nhận ra thực lực không đủ, có
thể dẫn đến bại vong như vụ Hoàng tử Chế Mỗ giành ngôi với Tể tướng
(1352). Tên người ghi theo cách chung chung: “mỗ” – đáng lẽ phải gọi là
Chế X theo cách ngày nay, chứng tỏ đương thời không quan tâm đến nhân
vật này. Trần chỉ ra quân bất đắc dĩ khi ông hoàng Chàm tỉ tê với đầy tớ
Minh Tông về một câu chuyện đời xưa mang tính ẩn dụ, dấu vết của sử kí
làm bằng cớ cho những kiến thức văn hoá khác đến từ phía Nam mang
nguồn gốc có thể xa hơn, như thần thoại Ramayana chuyển vào “truyện Dạ
Xoa Vương” của nước Hồ Tôn Tinh / Chiêm Thành trong Lĩnh Nam chích
quái
. Quân đưa người về lấy lại ngôi, đã thua lại còn bị Trương Hán Siêu
trách không nghe lời can, khiến Minh Tông nổi giận đẩy vào trấn châu
Hoá, để ông than thở thân già bệnh hoạn, và phải chết trên đường về kinh.
Trần cũng thua ở Quảng Nam (1367) khi phản ứng với lời đòi đất Hoá
Châu của nhân vật kiệt hiệt cuối cùng lãnh đạo vương quốc Chàm: Chế
Bồng Nga.