Sành, nơi được khảo sát kĩ lưỡng qua 4 lần khai quật 1993-1995, với dấu
vết 20 lò gốm cổ, thu gần 6000 vật gốm làm bằng bàn xoay, nhiều loại hình
với kĩ thuật tạo dáng cao cấp… Các cuộc khai quật nhiều khu lò gốm khác
ở Bình Định và mộ táng Đại Lào, Đại Làng (Lâm Đồng) làm vững chắc ý
kiến cho rằng có một loại gốm Chàm ở vùng Vijaya xưa tạo nên một dòng
thương mại phồn thịnh trong các thế kỉ XIII-XIV, và thế là dễ dẫn đến suy
nghĩ về căn bản vật chất làm nên một thời đại hưng thịnh dưới quyền lực
của Chế Bồng Nga. Chính sử quan Việt cũng nhận ra có sự thay đổi khác
thường. “Chiêm Thành từ đời Lê, Lí tới đây, quân lính hèn nhát, hễ quân ta
đến là đem cả nhà chạy trốn hoặc họp nhau khóc lóc xin hàng. Đến Bồng
Nga, La Ngai mới tập họp dân họ lại, bảo ban dạy dỗ, thay đổi dần dần thói
cũ, trở nên can đảm hăng hái, chịu được gian khổ, nên thường hay sang
cướp, trở thành tai hoạ của nước ta.”
Nhưng đặt tên gốm (của người) Chàm dễ dẫn đến ý nghĩ gán cho
thời điểm cuối cùng của nó là cuối thế kỉ XV, trùng với sự kiện Lê Thánh
Tông chiếm thành Chà Bàn (1471), thường cho là điểm kết thúc thời vương
quốc Chàm. Các nhà nghiên cứu không màng đến lịch sử địa phương
(Aoyagi Yogi) thì thấy rằng gốm Gò Sành còn có mặt trên thị trường đến
thế kỉ XVI- XVII, thậm chí XVIII, nghĩa là không tùy thuộc vào trận Chà
Bàn. Làm sao giải mối mâu thuẫn này? Người ta rụt rè đề nghị gốm có thể
là của người Trung Hoa làm trên đất Chàm. Điều này không phải là vô lí
nếu xét đến tính chất gốm cao cấp như Gò Sành đòi hỏi phải có tổ chức, kĩ
thuật không thể thấy ở người Chàm ngày nay vốn không biết đến bàn xoay,
chỉ nung gốm ngoài trời, loại gốm gia dụng đơn giản: nồi, trả, vò, lu… Lối
nung gốm ngoài trời cũng phản ảnh trong tích xưa về việc tranh đua xây
tháp với người Việt, thua vì người Việt (cụ thể ở Phú Yên là ông Lương
Văn Chánh của chúa Nguyễn) làm bằng giấy bồi, thua tiếp vì cuộc thách
đốt tháp, người Chàm đốt đống gạch chỉ thấy chín đỏ trong khi người Việt
đốt giấy tan tành trong giây lát! Học giả không đi xa hơn đề nghị có lẽ vì
không nghĩ ra đối tượng cụ thể, không nhìn thấy lớp người Tống bị Nguyên
xua đuổi xuống phương nam, lớp người biết tạo gốm celadon nổi tiếng.