chém trâu ở núi Đá Trắng thôn Hữu Phước, người ta dành cho ông một
mâm cúng riêng ở khu vực các nữ thần cũng vì truyền thuyết nói rằng sinh
thời ông ưa thích phụ nữ! Suy đoán gán ghép hơi mỏng manh nhưng sự lưu
truyền đó lại chứng tỏ chất Hồi Giáo khác nơi ông, cái quyền uy đối với
phụ nữ về phía đạo này đã lấn át truyền thống mẫu hệ bên phái Bà La Môn
cùng thời. Như đã nói, nếu nhận Chế Bồng Nga theo Hồi Giáo – không rõ
ông có xưng là sultan hay không, nếu nhận điều đó thì ta hiểu được sự lạc
loài của Chế Bồng Nga trong lịch sử Chàm. Trong thời gian uy danh lên
đến 30 năm có hơn mà ông không xây tháp, làm bia cho mình bởi vì không
thuộc truyền thống đó. Rốt lại lúc chết đi, ông chỉ được hưởng một đền thờ,
có thể là do La Ngai dựng nên, rồi trải qua thay đổi của những người cầm
đầu, chỉ còn những người dân quanh vùng nhớ đến, săn sóc mồ mả, đền
đài, năm năm làm lễ tưởng niệm mà giữ lại một thói tục lưu truyền về tính
cách con người ông. Cũng có thể giải thích lí do tại sao kinh đô Vijaya của
ông thì nằm ở Bình Định mà đền thờ ông lại ở Ninh Thuận: Chỉ vì nơi này
đã có dấu vết Hồi Giáo từ nhiều thế kỉ trước trong khi Bình Định tràn ngập
tháp Bà La Môn. Làm người Hồi Giáo, Chế Bồng Nga có thể hưởng mối
lợi về thương mại trên biển Đông và xa hơn, riêng trong xứ, là sản phẩm
gốm Gò Sành cao cấp đương thời. Mối quan tâm về thương mại cũng được
chứng tỏ trong việc ông đánh dẹp cướp biển mà báo cáo với nhà Minh để
gây uy thế chống đánh Đại Việt.
Lại có thể thấy một nguồn lợi khác đem thịnh vượng đến cho xứ
Chiêm Thành nhân cuộc cải giáo này. Thầy dòng Ý Odoric de Pordenone
nghe ngóng đất Chàm trong khoảng thế kỉ XIV, nhận xét rằng “tựa như
người ta không thấy gì trên biển ngoài cá cả.” Nhà du hành Ả Rập Ibn
Batutah đến vùng Panran không gặp vị thái tử cai quản ở đấy nhưng tiếp
xúc được với công chúa Urdurgia, cũng nói “dường như tất cả các loài cá
đều tụ tập ở đây.” Và người lập Bình nam đồ cho Bùi Thế Đạt năm 1774,
vẽ tháp Phố Hài (Phan Thiết) như cái tháp chùa 9 từng, có 3 con cá ngoài
biển quay đầu vào đất liền với ghi chú: “Mỗi năm vào ngày tháng 5, bọn cá
quay đầu chầu về tháp.” Trên vùng này dân Việt đến về sau vẫn tiếp tục