Trong hướng độc tôn hoá quyền bính thì việc viết sử là của nhà nước đã
khiến cho sử quan lệ thuộc thật nhiều vào hệ thống tạo dựng, trả lương,
điều khiển họ, lệ thuộc có khi ăn sâu cả vào trong tiềm thức, dù rằng đôi
khi cũng có một vài chứng dẫn ngông nghênh của cá nhân, lôi từ trong hệ
thống ra một số nguyên tắc lí tưởng dùng để “rửa mặt” cho tình trạng quỵ
luỵ thảm hại kia. Việt Nam vừa thoát khỏi “đêm mù Trung cổ phương
Đông” không lâu thì cuộc chiến giành độc lập lại lôi đất nước trở về khung
trời chuyên chế ngàn năm cũ, trong đó chuyện kể về những anh hùng dân
tộc, những chiến thắng vẻ vang có thật hay được tô vẽ theo tình hình mới,
đã không cần thành sách vở nhưng vẫn tạo nên một khung lịch sử vững
chắc trong đầu óc quần chúng để người cầm quyền mới tiếp tục khai thác,
vò nặn lịch sử trong lòng tay mình. Lịch sử trở thành biên kịch, tiểu thuyết,
thành huyền thoại ngay trong đời sống hiện tại, tin hay không mặc kệ!
Thành phần trí thức Việt lại cũng không có quá khứ độc lập, cứng cỏi đủ để
làm ảnh hưởng đến chiều hướng đã định của người cầm quyền. Từ “kẻ biên
chép ở nhà trong” / nội-thư-gia của Lí đến “người trong nhà chủ” / gia-
thần, “thằng bé biên chép” / thư-nhi của Trần, “bầy tôi của vua” / quốc-thần
của Lê Nguyễn, “người trong biên chế, con em công nông” một thời gian
dài của thời mới, họ không đủ sức để thoát khỏi những những khuôn khổ
xếp đặt bởi những chủ nhân thật sự trong hiện tại và quá khứ của họ, dù
rằng có khi loáng thoáng ta thấy một vài điểm xuyết thu nhận từ kiến thức
mới còn sót lại của thời thuộc địa hay len lách được qua những ngăn cấm
không cản trở được của kĩ thuật mới.
Chính vì sự trì trệ quá sâu như thế mà ta thấy các sử gia, học giả
trong nước không những bằng hành động mà cũng đã tuyên bố hoặc ghi rõ
là họ làm việc nghiên cứu để phục vụ chế độ qua các văn kiện Đảng, các
chỉ thị của cấp uỷ lớn nhỏ. Hãy nghĩ đến hệ thống thư lại văn sĩ, học giả
cặm cụi viết các Văn kiện Đảng, Nhà nước (nghị quyết, diễn văn cho Bộ
Chính trị, cho các ông chủ tịch…), đến những người đào tạo cấp bằng Đại
học cho các “cán bộ khung” của hệ thống Đảng bộ, hành chính, những
người từ trung ương về các địa phương chủ trì, đứng tên cho các công trình