nghiên cứu của các tỉnh uỷ… Cho nên có những chỉ thị, quyết định trừng
phạt những ai “nói xấu” anh hùng dân tộc, danh nhân nước nhà, bắt buộc
các người đã chết này phải sống như thần, như thánh cho vừa lòng người
cầm quyền vốn thật tình là bênh vực người của địa phương mình, phe phái
(giai đoạn của) mình. Tính chất “dân chủ tập trung” trong chuyên môn đã
làm lép vế những chuyên viên, hạ thấp trình độ của họ khiến nổi lên phong
trào “quần chúng viết lịch sử,” như đã từng được ca tụng là “làm nên lịch
sử.” Quần chúng đó lại không phải là dân tay cày tay cuốc mà là những tay
ngang, ngoại đạo ngang ngạnh lớn tiếng “làm việc sử học.” Có vẻ dễ
thương hơn nhưng cũng lạc loài không kém là trường hợp mới đây của một
nhà thơ tháo vát, cổ động “cách nhìn mới” (cũ xì!) cho một triều đại đã
chịu thật nhiều tai tiếng trong một thời gian dài mà sự nhận định
xuôi/ngược không hề làm suy suyển uy tín những người cầm trịch điều
khiển. Lôi người đi xa về xứ gốc là đi theo một phong trào địa phương chủ
nghĩa trong sử học đang lan tràn, nổi bật trái khoáy là của “địa phương” Hà
Nội với các công trình tân tạo, vẽ vời Thăng Long, thành lập Bảo tàng Hà
Nội tranh giành cổ vật quốc gia… Vì không phải là chuyên viên nên ông ta
không biết rằng những người kia, khi định dựng một NƯỚC riêng đã xác
nhận quê hương mới cho mình: “Nhà ta phát xuất từ Ô Châu (Thuận
Quảng).” Thế rồi khi có được Nước Lớn Hơn, họ đã đặt tên riêng (Việt
Nam) cho dòng họ mình và xây Thành đô (UNESCO) nơi phát xuất được
điều chỉnh đó (Phú Xuân / Huế) để sống theo một phong cách khác hẳn,
không nghĩ gì nhiều về quê xưa, trừ cái mả hoang phế của ông tổ giữa rừng
nhờ còn lưu mấy cục đá làm chứng tích cho đám dân thang mộc ấp ở đấy
kiêu ngạo với người chung quanh, và để bây giờ có cuộc hội thảo quốc gia
khỏa lấp những lời mắng mỏ tàn tệ xưa.
Tuy nhiên những người theo/thuận chiều thời thế kia phải loay hoay
trong tinh thần “dân tộc,” “yêu nước” đáng khen mà khô cạn sáng tạo đó
không nói làm gì nhưng cả những đồng nghiệp bên ngoài, hoặc mang tinh
thần chống đối về chính trị hay được thừa hưởng một nền giáo dục khác lại
cũng không thể làm khác hơn, chỉ vì di chứng vẫn chưa dứt bỏ được và vì