chịu sự cuốn hút trong vô thức từ vị thế nhỏ bé của mình đối với khối quốc
gia gốc lớn rộng. Những bàn tán xôn xao về kiến thức sử học trong các
trường trung, đại học xuất hiện trên báo chí Việt Nam tháng 3-2008 chỉ là
sự đột khởi mới để lấp khoảng trống truyền thông của một tình trạng chính
trị hoá lịch sử tệ hại đã được kéo dài rất lâu mà không phải người ta không
thấy. Kiến thức về lịch sử Việt Nam rõ ràng là đã được điều kiện hoá chặt
chịa, đã được “định hướng” trong thế quần chúng áp đảo, cả về tương lai
lâu dài. Sự thụt lùi của một nền sử học khoa học ở Việt Nam từ trong quần
chúng lên đến tầng lớp trí thức đã tỏ rõ trong hiện tượng công khai hay lẩn
lút theo thuyết Việt nho của Lương Kim Định và thuyết “Việt Phật” của Lê
Mạnh Thát, cho thấy cả một sự hoang tưởng để mong bù lấp sự trống vắng
của kiến thức cá nhân và lấp liếm cho sự tự ti kéo dài của tập thể – với khác
biệt nhỏ của hiệu quả là thuyết sau ra đời muộn màng nên không có tình
hình thuận tiện để được đón chờ lan rộng, vồ vập đến hung hăng có lúc
điên cuồng như thuyết trước.
Nhưng viết một điều gì thì không phải chỉ cho người cầm bút mà
còn phải quan tâm đến người đọc nữa. Một khuôn khổ đã được lập trình
suốt cả ngàn năm, bây giờ sắp xếp lại tất không tránh được sự vụng về của
người ra tay, đồng thời là sự bỡ ngỡ của người tiếp nhận. Chưa nói đến cái
“mới”, cái “khác” cũng đã gây sốc cho người bảo thủ, có quyền bính hay
không. Vì thế đã thấy phản ứng về những bài viết trước, là: nói ngược, lập
dị, với thời thế là “nói xấu chế độ / dân tộc,” “phản động,” cả đến “cò mồi
cho Việt Cộng” nữa… Tuy nhiên ngoi lên được từ những la ó – có khi gầm
gừ ấy lại có những kết quả công nhận cụ thể, tuy theo tinh thần chính trị
đương đại, không được phép ồn ào nhưng vẫn là có mặt, theo với sự thẩm
thấu qua không gian nhờ kĩ thuật mới. Một số ý tưởng khó nuốt thì được
hoà nhập thân xác mới theo những cấp độ trình bày mạnh dạn hay rụt rè
ngượng ngập… dù sao cũng chưa từng thấy xuất hiện trước đây. Hãy kể
chuyện nho nhỏ như chuyện làng ca trù Lỗ Khê tẩy chay, không dạy bài
“Hồng Hồng Tuyết Tuyết” của ông nghè Dương Khuê cho cô nghiên cứu
sinh Pháp (báo Thanh Niên 27-4-2007) dù rằng bài hát nổi tiếng này đã