- Áo em đang mặc nè !
Nói xong, nó cười hí hí.
Tôi nhăn mũi:
- Cái áo xấu hoắc mà cũng khoe !
- Chớ anh tưởng áo anh đẹp lắm hả - Tin vênh mặt.
Hai anh em tôi đang chuẩn bị lạc đề thì ba tôi liền vội vàng điều chỉnh:
- Thôi, nói năng nghiêm túc đi !
Lẽ tất nhiên là cuộc tranh cãi về màu sắc giữa tôi và thằng Tin còn tiếp tục lạc đề thêm
nhiều lần nữa nhưng người trọng tài là ba tôi bao giờ cũng can thiệp kịp thời . Cuối cùng thì
Tin, vì không có một ý thích thực sự rõ ràng, đành công nhận là màu đỏ đẹp. Tuy nhiên, nó
cố vớt vát:
- Nhưng màu xanh cũng đẹp, đẹp cách khác.
Hẳn nhiên nó nói vậy để "giữ uy tín" nhưng dù sao tôi cũng tìm thấy trong đó nhiều phần
đúng.
Nhưng điều quan trọng không phải ở chỗ đó. Cái chính là, sau cùng ba tôi kết luận:
- Như vậy là con đã cố chứng minh một điều và cố làm cho người khác tin điều đó là đúng.
Để thuyết phục, con đã phải vận dụng lý lẽ. Và để lý lẽ thêm vững chắc, con đã dùng những
dẫn chứng. Tất cả những điều vừa rồi, trong cuộc sống hằng ngày, ta thường gọi là tranh cãi
hay tranh luận. Trong nhà trường, người ta gọi là nghị luận. Tất nhiên cuộc tranh cãi giữa
con và Tin chỉ là hình thức đơn giản, phương pháp không khác nhau bao nhiêu . Bây giờ con
đã hiểu văn nghị luận là gì chưa ?
Bài vỡ lòng của ba tôi thật là sáng sủa, dễ hiểu . Và đến lúc đó, tôi mới hiểu tại sao ba tôi lại
bày ra trò cãi nhau giữa anh em tôi . Chính nhờ những khái niệm rõ ràng đó mà tôi tiếp thu
những bài học sau một cách dễ dàng.