Đặc biệt, ông giải thích thêm: “Tôi cũng đã có những quyết định
mang tính sống còn trong những lúc đối mặt khủng hoảng. Chẳng
hạn như chuyến bay tới Myanmar tháng 5/2008, bằng nỗ lực
thuyết phục chính phủ nước này đón nhận các chương trình viện trợ
nhân đạo từ phía cộng đồng quốc tế, giúp cứu mạng 500.000 nạn
nhân của cơn bão Nargis, hay như việc đến thăm Dải Gaza đầu tiên
ngay khi thường dân Palestine phải chịu thống khổ do cuộc tấn
công của Israel vào đầu năm 2009, hay cử Lực lượng Gìn giữ Hòa
bình sang Darfur nhằm chế ngự Tổng thống Sudan, Omar al-
Bashir, vào năm 2007…”
Ngoài ra, ông khẳng định: “Khi đối diện với những vấn đề
mang tính thiết thực, tôi đã thể hiện rõ quan điểm của mình cho dù
đối với các nước lớn. Cũng chính vì điều này mà tôi phải chịu
nhiều chỉ trích và phê phán từ các quốc gia hùng mạnh.”
Về sau, trong một cuộc hội thảo do câu lạc bộ phóng viên truyền
hình trong nước tổ chức, ông cũng khẳng định: “Trong nhiều trường
hợp, tôi đã thể hiện quan điểm bằng một thái độ mềm mỏng và
khiêm tốn do ảnh hưởng bởi lối giáo dục và tập quán phương Đông.
Tuy nhiên, không ai có thể cương quyết hơn tôi trong những vấn
đề liên quan đến nguyên tắc và khi phải đưa ra các quyết định
quan trọng.”
Vai trò thống lĩnh thế giới của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thực
ra cũng có giới hạn, ông không thể huy động tài chính hay vũ lực như
những người đứng đầu các nước lớn. Nói một cách chính xác, đây là
vai trò “đại thống lĩnh hòa bình thế giới”. Đó là vai trò trung gian
hòa giải các mâu thuẫn quốc tế bằng quan điểm hợp lý chứ không
phải trên cương vị một lãnh đạo đầy quyền lực sử dụng năng lực
cưỡng chế trong giải quyết các vấn đề liên quan.