Tần Phóng thật sự không ưa cái kiểu tự cao tự đại này của cô, anh sầm
mặt nói một câu: “Thuyền hư cũng còn ba ký đinh, động Ma Cô người ta
có thể chiếm giữ một vị trí trong bảy đạo động nhất định là có chỗ độc đáo.
Cô khinh địch như vậy nói không chừng sau này bị lật thuyền trong mương
ở động Ma Cô đó.” (1)
(1) *Thuyền hư vẫn còn ba ký đinh: Dù có rách nát thế nào cũng có chỗ
hữu dụng.
**Lật thuyền trong mương: xảy ra chuyện không đáng.
Tư Đằng không nhìn anh, thuận tay lại tô chân mày, nói một câu đầy
hàm ý: “Tần Phóng, gần đây tôi khách sáo với cậu quá rồi hả?”
Quả nhiên nói sai một câu đã chạm nọc của lão phật gia. Có điều nhiều
ngày sống chung với nhau như vậy, Tần Phóng ứng đối cũng trở nên nhanh
nhạy: “Không phải là cô chịu đủ gian truân muốn báo thù rửa hận à? Tôi
cũng chỉ đóng vai diễn viên khách mời thỉnh thoảng nói một câu lời thật
mất lòng, để luôn luôn nhắc nhở cô đừng kiêu ngạo mà nắm chắc phần
thắng thôi.”
Tư Đằng ngẫm nghĩ rồi lại gật đầu: “Kẻ có chí chuyện ắt thành, đập nồi
dìm thuyền, Quang Trung hiểm trở cuối cùng cũng thuộc Sở. Người vất vả
trời không phụ, nằm gai nếm mật, ba nghìn quân Việt cũng nuốt được nhà
Ngô (2). Đoạn thơ tả thực này giống tôi.”
(2) Hai câu trong Tự Miễn Liên do Bồ Tùng Linh biên soạn. Đoạn thơ
này nêu cao hai việc, một là việc Hạng Vũ nhà Sở dẫn binh qua sông đã
đập nồi dìm thuyền không cho binh lính có đường quay về để họ quyết
sống mái đánh tan quân Tần; hai là việc Việt Vương Câu Tiễn sau ba năm
phục dịch và chịu nhục ở nước Ngô, ông đã giành được sự tin tưởng của
Phù Sai và được Ngô Vương cho quay về nước Việt và sau đó cải cách cai
trị lại đất nước và đánh bại nước Ngô vào năm 473 TCN. Ý của cả đoạn thơ
này mang hàm nghĩa là “có chí thì nên”.
Cô vui giận thay đổi cực nhanh, thình lình lại nói cười nhẹ nhàng, tay
đặt lên thái dương đứng dậy. Ngắm nhìn mình trong gương một lần nữa:
“Đi, đừng để khách quý của chúng ta chờ sốt ruột.”