trong cảnh nhang khói lượn lờ nghi ngút. Trời đang vào hè, núi rừng Thanh
Thành xanh ngắt, nhiệt độ thư thích, rất nhiều người già cư ngụ gần đó leo
núi hoạt động gân cốt, qua lại không ngớt trên con đường núi khá chật hẹp,
trông có vài phần náo nhiệt.
Tần Phóng dừng bước trước tấm biển hướng dẫn ở ngã rẽ trên dốc núi
cao. Trên tấm bảng kia ngoại trừ chỉ hướng đi còn nhiệt tình và tự hào ghi
vài dòng khen ngợi núi Thanh Thành. Đại ý là thời tiết Thanh Thành mát
mẻ, nhiệt độ trung bình ở đây là 16, 8 độ, lượng khí oxy cao gần 91%, thật
sự là nơi thiên nhiên trong lành hiếm có vân vân…
Tần Phóng đọc hết từng chữ một rồi khẽ nói: “Nơi tốt.”
Nhan Phúc Thụy tự hào: “Đương nhiên rồi, năm đó sức khỏe sư phụ tệ
lắm, nhờ sống ở nơi này mới sống lâu…”
Dường như ông ý thức được điều gì đó, vội vàng im bặt. Lần này gặp
mặt, họ như có ăn ý không nhắc đến đạo môn cũng không nói đến Tư
Đằng, không ngờ lại lỡ miệng ở nơi này.
Tần Phóng cười xòa, ra vẻ không để ý, anh đi vào rừng, ngồi xuống một
tảng đá dưới tàng cây, vỗ vỗ vị trí bên cạnh: “Ngồi xuống đây trò chuyện
chút đi.”
Trò chuyện về điều gì đây? Tự dưng Nhan Phúc Thụy cảm thấy áp lực,
ngập ngừng một lúc mới chần chừ ngồi xuống.
“Ông còn nhớ trong chín đạo phố có một nhà là Hoàng Gia Môn và bà
cụ tên Hoàng Thúy Lan không?”
“Nhớ chứ.”
“Bà ấy chết rồi.”
Gì cơ? Nhan Phúc Thụy bất ngờ quá đỗi, giật nảy cả mình, đứng bật dậy.
Tần Phóng cũng không nhìn ông, chỉ đưa tay lên vịn bả vai ông, ấn ông
ngồi xuống: “Ông nóng ruột làm gì, đâu phải tôi giết.”
Rồi anh lại nói: “Bà Hoàng sống đến hơn tám mươi tuổi, liệt giường đã
mười mấy năm, coi như là yên bình sống thọ rồi. Lúc bà ra đi, chẳng qua
tôi trùng hợp đến kịp thôi.”
Hóa ra là vậy. Nhan Phúc Thụy thở phào nhẹ nhõm, nhưng mà sao Tần
Phóng lại đi tìm bà Hoàng làm gì nhỉ?