hiểu tại sao và bằng cách nào, vụ án lại dính líu tới một trong những tên sát
nhân man rợ nhất trong lịch sử. Servaz bỗng cảm thấy như thể mình đang
đứng giữa một hành lang dài đầy những cánh cửa phong kín. Đằng sau mỗi
cánh cửa là một khía cạnh đáng sợ và không thể ngờ tới của vụ án. Anh
kinh hãi bước vào hành lang đó và mở từng cánh cửa. Trong tâm trí anh,
hành lang lạ lùng ấy được thắp sáng bằng ánh đèn đỏ, đỏ như máu, đỏ như
cơn thịnh nộ, đỏ như quả tim đang đập. Anh vã nước lạnh lên mặt, nỗi âu lo
thắt lại trong dạ dày. Chắc chắn rất nhiều cánh cửa khác sẽ sớm mở ra, để
lộ một loạt những căn phòng mà căn sau lại mờ mịt và quái đản hơn căn
trước. Và đây mới chỉ là khởi đầu…
Julian Alois Hirtmann đã bị giam gần mười sáu tháng ở Khu A của Viện
Wargnier, khu vực dành riêng cho những tên phản xã hội nguy hiểm và chỉ
bao gồm bảy bệnh nhân cả thảy. Nhưng Hirtmann khác hẳn sáu tên còn lại
ở chỗ:
1. Hắn thông minh, tự chủ và là nghi can của một loạt vụ án chưa bao
giờ sáng tỏ;
2. Hắn từng là người có địa vị trong xã hội, hiếm nhưng không hẳn là
trường hợp ngoại lệ trong số các tội phạm giết người hàng loạt. Tại thời
điểm bị bắt, hắn đang là công tố viên của tòa án Geneva;
3. Hắn bị bắt giữ sau một loạt các diễn biến trùng hợp như Ziegler đã đề
cập, việc xét xử hắn dẫn tới tình trạng rối ren về chính trị và hình sự chưa
từng có trong lịch sử luật pháp ở Thụy Sĩ.
Những diễn biến trùng hợp ấy là một câu chuyện khó tin, vô cùng rùng
rợn, nếu không muốn nói là đê tiện và hơn hết, là bi thảm. Vào ngày 21
tháng Sáu năm 2004, khi một cơn bão dữ dội quét qua hồ Geneva, Julian
Hirtmann, bằng cử chỉ rất mực long trọng, đã mời tình nhân của vợ đến ăn
tối tại tư trang bên hồ của hắn. Mục đích lời mời này là, muốn ‘làm rõ mọi
chuyện và thu xếp sự ra đi của Alexia một cách hào hiệp’.
Cô vợ đẹp mê hồn trước đó đã nói với hắn rằng cô ta muốn rời đi và
sống với tình nhân, một thẩm phán tại tòa án Geneva, đồng nghiệp của
Hirtmann. Suốt bữa ăn, họ nghe bản nhạc trác tuyệt Kindertotenlieder của