Nhưng phải tới khi đến thành phố, chuỗi ngày đau khổ của Khổng Lập
Thanh mới thực sự bắt đầu. Khổng Kiến Huy trong mắt người ngoài là một
người đàn ông hòa nhã lịch sự, chỉ có với người nhà ông ta mới tỏ ra cục
cằn, thô lỗ mà thôi.
Trong ấn tượng của Khổng Lập Thanh, cha cô là một kẻ đạo đức giả,
trước mắt người khác thì làm bộ quan tâm chăm sóc cô, nhưng khi không
có người ngoài, ông ta liền coi cơ thể cô là nơi trút giận. Khổng Kiến Huy
đánh con mà chẳng cần có lý do gì, chỉ là do ngứa mắt. Khổng Lập Thanh
còn nhớ, suốt những năm ở cùng cha, cô chưa một lần dám mặc quần áo
ngắn, bởi lẽ chân tay chỗ nào cũng có dấu tích bị đòn.
Khi còn ở quê, Khổng Lập Thanh là một đứa trẻ hiếu động, thế nhưng
chỉ sau mấy tháng chuyển về thành phố, cô bỗng nhiên biến thành đứa bé
lặng lẽ, chậm chạp và lầm lì. Những trận đòn oan hàng ngày khiến cô biến
thành nhút nhát, sợ sệt, chỉ muốn thu mình lại để được yên ổn mà thôi.
Năm Khổng Lập Thanh mười tuổi, Khổng Kiến Huy cha cô tái hôn,
đối tượng tái hôn lần này là con gái phó giám đốc một nhà máy gần đấy. Bà
ta cũng mới ly hôn, có một đứa con gái riêng trạc tuổi Khổng Lập Thanh.
Cha tái hôn với một người phụ nữ quyền lực hơn, không cần nói cũng biết
Khổng Lập Thanh sẽ càng thảm thế nào.
Suốt thời niên thiếu, cô đều bị ghẻ lạnh, cha ruột ghét bỏ, người ngoài
không ai quan tâm, bị tổn thương sâu sắc, mặt dần in hằn nỗi đau đớn, buồn
bã.
Khổng Lập Thanh bắt đầu hiểu chuyện từ năm cô mười bốn tuổi. Khi
đó nhà đã rất giàu nhưng cô lại không có được một bộ đồ cho ra dáng, một
tuần mới được tắm gội một lần, người ngợm nhớp nháp, đầu tóc bẩn thỉu
khiến Khổng Lập Thanh không có nổi một người bạn, cô luôn thu mình
trong góc lớp, càng biến thành đứa trẻ khiến người ta ghét bỏ.