khăn. Quan đại thần đứng đầu Viện cơ mật cũng gây không ít khó khăn cho
chính quyền bảo hộ.
Tại Paris, chính nghị viện cũng sục sôi đòi cải tổ. Edouard Daladier, thay mặt
cho phe cấp tiến và Marius Moutet, thuộc đảng xã hội, cả hai tố cáo "nồi hơi"
Đông Dương đang sôi sùng sục. Trước mắt, nhờ đàn áp các cuộc phản kháng
người ta đã giữ để không bị bật nắp. Tình hình đã có phần lắng dịu, lúc này Nhà
vua có thể trở về nước.
Làm sao có thể thuyết phục được Nhà vua trẻ lên đường về nước. Chỉ mình ông
mới có thể tháo gỡ cuộc khủng hoảng, trở thành một đồng minh của nền bảo hộ
mới, tự do hơn và quan tâm hơn đến lợi ích của người An Nam.
Eugène Chatel ngày càng tỏ ra bực bội trước những do dự của Bảo Đại. Ngồi
trong văn phòng của ông tại Hà Nội, ông liên tiếp đưa các đề nghị, cố sức làm
cho ngày trở về của Bảo Đại thành một màn kịch tán dương và thành phố Huế
sầu thảm trở thành một thành phố thời thượng(6). Bảo Đại là quân cờ cần thiết,
có vai trò chính trên bàn cờ Việt Nam. Trong lúc này, ông vua trẻ vẫn ở hàng dự
bị, sống thu mình ở chính quốc là điều không tưởng tượng được. Ông ta phải trở
về bằng bất cứ giá nào, và chính quyền bảo hộ đã sẵn sàng trả giá cho việc này.
Chatel, con người thông minh và nhiều mưu mô xảo quyệt ra sức tô vẽ cho dự
án. Ngày này sang ngày khác, bức tranh do viên chủ sự đáng nể trọng của Phủ
Toàn quyền Đông Dương phác hoạ ngày càng đầy đặn, mang dáng vẻ sử thi và
tính anh hùng ca. Để chuyến trở về của vị vua trẻ này được huy hoàng tráng lệ,
người ta đã hứa sẽ làm như César ở kinh đô La Mã hay Napoléon ở Austerlitz.
Phải làm cho nước An Nam có sức hấp dẫn nhất là biết giữ ông ta ở lại đó nếu
may ra vị Hoàng đế cuối cùng chấp nhận từ bỏ các thú vui tắm biển hay thói ăn
chơi của xã hội thượng lưu.
Trong lúc ông Chatel bóp trán nghĩ ra mọi điều có thể cám dỗ vị Hoàng đế trẻ,
thì tiết xuân ẩm ướt ở Bắc Kỳ còn dễ chịu hơn thường lệ. Năm đó không một trò
vui nào ở vườn hoa hay các cuộc dạo chơi tổ chức quanh hồ Hoàn Kiếm có thể
làm xua tan được cái cảm tưởng bất an và nghi ngờ dai dẳng trong tâm trí người
dân xứ Bắc. Không nản chí, viên Tổng thư ký Phủ Toàn quyền viết nhiều báo
cáo về Bộ Thuộc địa, biện hộ sự cần thiết cần có nghi thức thật tráng lệ huy
hoàng, đòi chi thêm tiền, thêm điều kiện dễ dàng. Tương lai của triều đại phụ
thuộc một phần vào các điều kiện vật chất và tinh thần cho việc trở về. Ông viết