Hoàng uống vội ly cà phê đắng ngắt rồi cùng Quân ra khu mộ cổ.
Đúng là Tiên đã về nằm dưới ngôi mộ đá do chính tay cô chuẩn bị từ trước.
Những chuyện mà Tiên nói với Hoàng bốn năm về trước như vẫn còn bên
tai anh, như văng vẳng đâu đây giữa nghĩa địa hoang vu, bên những nóc mộ
cổ in dấu thời gian này. Tiên rất sợ cái câu thơ định mệnh - Đến khi thác
xuống làm ma không chồng nên cô đã phải chọn sẵn cho mình một ngôi mộ
đá để khi nằm trong đó mới thực sự cảm thấy vững chãi, thực sự cảm thấy
bình yên. Bây giờ thì em đã bình yên chưa Tiên ơi? Trước ánh mắt đờ đẫn
vì xúc cảm của Hoàng, Quân bảo: “Muốn hiểu về chị ấy, anh cứ về sở gặp
anh Tuấn là rõ. Anh Tuấn là con trai của bác phó giám đốc sở đấy, cũng dễ
tìm thôi mà”
Hoàng mỉm cười chua chát. Quân quên mất Hoàng là nhà báo ư? Việc
tìm Tuấn đối với Hoàng có gì là khó đâu. Ngay cả việc xác minh lý lịch của
Tiên với cái nhà hàng Mây Chiều đã bị đóng cửa ở gần Ô Chợ Dừa ấy đối
với Hoàng cũng chẳng khó gì. Nhưng tìm Tuấn để làm gì? Biết rõ hơn về
Tiên cũng để làm gì? Làm sao tìm hiểu cho hết uẩn khúc của mỗi con
người trong cái thế gian đầy phức tạp này?! Tiên đã muốn bình yên trong
nấm mộ đá kia, những muốn người đời quên mình đi thì cũng chẳng nên
xới lật cuộc đời cô thêm một lần nữa. Có chăng là cắm cho cô nén nhang để
linh hồn cô khỏi lạnh lẽo nơi lòng đá mà thôi. Hoàng nhìn sang Núm Vú
Cô Tiên, thấy câu chuyện tự biên tự diễn của mình sao kinh khủng thế?
Nếu ba vạn chín nghìn năm trước đây có một nàng tiên như thế thì bây giờ
nàng nằm kia mưa nắng dãi dầu, đắng cay, oan nghiệt quá. Cho nên Tiên
mới muốn trốn vào mộ đá để khỏi bị miệng lưỡi người đời nhắc đến chăng?
Ngay sáng hôm sau Hoàng rời Quán Bù lên Lũng Pàn và ở lại đó cho
đến khi đoàn làm phim quay xong. Trở lại Hà Nội được một tuần thì Vi
điện đến cho Hoàng. Vi bảo: “Nghe nói anh dạo này hay la cà ở các quán
gội đầu thẩm mỹ lắm phải không? Cẩn thận không các cô ca ve ấy cho anh
tiêu đời luôn đấy. Tốt hơn hết là anh lấy vợ đi. Rồi cố đẻ một cô công chúa
để làm thông gia với em”