lạm, đục khoét của dân.
Thấy Thiên cực có vẻ băn khoăn, Thủ Độ gặng hỏi tới hai, ba lần bà mới
chịu nói:
- Tôi có một thằng cháu họ ngoại, muốn xin ông gia ân cho nó một chức
câu đương.
Trần Thủ Độ cười lớn:
- Tưởng chuyện gì khó, chứ chuyện ấy trong tầm tay tôi. Bà cứ nói tên họ
nó cùng quê quán, làng xã để tôi biên lại, thế nào tôi cũng cho nó làm câu
đương.
Bà Thiên cực thường nghĩ, mình xa quê quán kể tới mấy chục năm rồi.
Nhất là họ hàng về phía bên mẹ cách sông cách đò, thảng có về thăm cũng
không sang được. Nay cho thằng cháu làm chức câu đương, xem như đấy là
một chút quà của bà với bên họ mẹ. Bà cũng biết tính chồng lắm. Ông ấy là
người trọng nghĩa. Nhưng cũng là một người sống mẫu mực, nghiêm chính.
Mấy năm ăn ở với nhau, bà còn lạ gì tính chồng. Ông chúa ghét bọn tham
nhũng. Hạng người này ông ấy coi ngang với bọn lưu manh, trộm cắp.
Cũng may, nhờ có nghiêm từ nhà nghiêm đi. Nghiêm từ trên nghiêm
xuống, nên xã hội đã khôi phục lại được nền nếp, kỷ cương. Người dân đã
được an cư lạc nghiệp. Bà Thiên cực cứ phiêu bồng hết ý nọ sang ý kia như
một kẻ mộng du. Bỗng có tiếng trống điểm canh phía cổng dinh, một lát
sau thị nữ Trịnh Huyền vào bẩm:
- Trình đức bà. Đức bà có người em bên quê ngoại ra thăm, đang chờ lệnh
bà cho phép. Thiên cực công chúa gật đầu. Trịnh Huyền dẫn vào một bà
nhà quê. Vừa trông thấy Thiên cực phu nhân, bà ta đã tru tréo lên:
- Ới cô ơi là cô, cô thương cháu mà suýt nữa cháu cô bỏ mạng rồi cô ơi.
Bà ta cứ hô hoán lên, vừa khóc vừa nói, khiến phu nhân phát hoảng. Không
biết bà ta là ai, ở đâu đến. Bà ta la hét oán vọng cái gì mới được cơ chứ.
Càng nghe bà ta nói, phu nhân càng không hiểu đầu đuôi sự thể ra sao nữa.
Phu nhân tỏ vẻ bực mình, truyền cho thị nữ hỏi cho ra nhẽ. Bọn thị nữ dỗ
dành mãi, bà ta mới hét toáng lên:
- Thế ra cô vẫn không nhận ra tôi à? Bố tôi với mẹ cô là hai anh em ruột.
Mới có một đời thôi mà đã quên hết cả họ nội, họ ngoại rồi sao?