cho mẹ hay. Nay nhân mẹ nhắc đến, con không dám giấu, vậy xin thưa
ngay mẹ rộng lòng dung thứ". Châu Viện quân nghe nói lật đật đỡ Vương
Thị dậy và nói: "Trẻ mà được con nuôi, ơn ấy ra dày, nhưng còn con của
con bây giờ ở đâu?" Vương Thị thưa: "Dạ, con đã gửi cho người khác nuôi
rồi". Viện quân sai kêu con của Bao Sơn về, xem hai đứa hình dáng chẳng
khác nhau bao nhiêu, liền mời Viên ngoại tới, cả nhà xúm nhau nói chuyện
ấy. Bấy giờ Hắc Tử gọi vợ chồng Viên ngoại là cha mẹ và kêu vợ chồng
Bao Sơn là anh chị, Viện quân thương Hắc tử lắm, lại kêu tên riêng là Tam
Hắc.
Ba năm sau, Bao Công đã được chín tuổi. Vợ chồng Bao Hải cũng quyết
làm sao giết cho được mới nghe. Một hôm Bao Hải lại nhà Viên ngoại nói
gièm rằng: "Thưa cha, nhà chúng ta vốn lấy cần kiệm làm gốc, nay chú ba
đã chín tuổi đầu, không phải nhỏ nhít gì, mà thả chơi bời lêu lổng, vậy xin
cho nó đánh đọ với lũ mục đồng hay là bầu bạn với con của lão Châu là
thằng Trương Bảo Nhi đi chăn trâu. Một là tập cho quen, hai là khỏi tốn
cơm ăn rồi ngồi không vô ích". Viên ngoại nghe theo lời, đem bàn chuyện
đó với vợ. Châu viện quân cũng bằng lòng, bèn giao Bao Công cho lão
Châu sai khiến. Từ đây, Bao Công bầu bạn với Trương Bảo Nhi, khi lùa
châu, dê ra mé sông, khi lại đuổi ra khỏi cổng làng hay lên núi Cẩm Bình
thả cho ăn.
Một bữa nọ, Bao Công lùa trâu tới núi Cẩm Bình bỗng đâu mây mù sấm
nổ, biết trời sắp mưa to, liền chạy vào miếu cũ trong hẻm núi để trú. Mưa
ào ào, sét nổ rầm rầm, đất rung cây đổ, Bao Công ngồi xếp bằng tròn trên
ghế hồi lâu, chợt nghe có người ở phía sau bước tới, ôm chặt lưng mình,
liền quay đầu ngó lại, thấy một đứa con gái, mặt mày hơ hải có vẻ sợ sệt,
khá thương. Bao Công nói thầm rằng: "Không rõ con nhà ai, song chắc là
vì sợ sấm sét nên chạy vào núp". Nghĩ vậy nên Bao Công lấy áo đắp cho.
Mưa càng to, sấm càng dữ, đôi ba giờ mới tạnh. Mây tỏ trời trong, Bao
Công nhìn lại bên mình thấy đứa con gái đã biến đâu mất. Bao Công không
để ý gì tới, vội vã ra kêu Trương Bảo Nhi cùng nhau lùa trâu về.