học trò nghe và hỏi tên họ. Người học trò ấy tên là Đỗ Ung nghe nói Tần
Xương rước dạy học thời nhận lời liền. Kế tiểu đồng đem mão giày quần áo
tới. Tần Xương liền cung kính đưa cho Đỗ Ung thay đổi, rồi từ giã Tịnh Tu
và Bắc Hiệp mà trở lại Tần Gia trang, để Đỗ Ung ở tại thư phòng cho kêu
học trò lại học.
Nguyên vợ Tần Xương là Trịnh Thị, tuổi ước ba mươi có sinh được một
đứa con trai tên là Quốc Bích tuổi vừa mười một. Lại có một vợ bé là Bích
Thiềm và con hầu, đầy tớ rất đông. Trong đám ấy có một đứa lớn tên là Thể
Phụng hầu hạ Trịnh Thị, và một đứa nhỏ là Thể Hà hầu hạ Bích Thiềm.
Nhà ngoài thêm có bốn người trai giúp việc là Tấn Bảo, Chiêu Tài, Tấn
Lộc, Tấn Hĩ. Tần Xương tuổi trạc tứ tuần song vẫn còn mẹ vú là Bạch Thị
tuổi đã trên bảy mươi. Cả nhà gộp lại được gần ba mươi người.
Tần Xương bình sinh ít đọc sách nên hối hận lắm, nay nhà giàu của dư,
muốn lo cho Quốc Bích học hành may sau này rạng vẻ tông môn, để khỏi
thẹn với tiếng đời chê trọc phú. Từ ngày rước thầy về nhà Tần Xương có ý
mừng rỡ, thường đãi đằng rất chu đáo, khi có việc đi đâu thường hay căn
dặn vợ hoặc liễu hoàn Thể Hà phải lo liệu tử tế.
Ngày nọ Tần Xương có việc đi khỏi, ở nhà con Thể Hà nấu cơm sai người
bưng tới thư phòng cho Đỗ Ung. Bích Thiềm liền lén đi theo, đứng ngoài
để mắt vào kẽ vách ngó lên, thấy Đỗ Ung hình dung tuấn tú, tuổi còn măng,
phút động lòng tà.
Dịp đâu may mắn cho Bích Thiềm, cách ít lâu Tần Xương cho Đỗ Ung
nghỉ dạy nửa ngày, rồi đem Quốc Bích đi thăm bà con. Bích Thiềm nghe tin
ấy mừng lắm, chờ Tần Xương đi rồi, bèn tự mình nấu cơm và nấu vài món
đồ ăn rất ngon sai con Thể Hà bưng qua phòng cho Đỗ Ung. Một lát Thể
Hà trở lại, Bích Thiềm hỏi nó rằng: "Tiên sinh làm gì trong ấy?". Thể Hà
đáp: "Đương đọc sách". Bích Thiềm hỏi: "Có nói chuyện gì không?". Thể
Hà nói: "Tiên sinh hỏi sao bữa trước gia đồng bưng cơm, mà bữa nay tôi lại
bưng cơm sớm vậy? Hỏi như vậy rồi bưng để lại một bên chớ không ăn".
Bích Thiềm lấy làm lạ hỏi rằng: "Sao lai không ăn?". Nói đoạn đi hớt hải
tới thư phòng, đứng ngoài xoi giấy dán cửa đưa mắt vào xem, thấy đồ ăn
vẫn còn y nguyên, bèn giả ho một tiếng. Đỗ Ung nghe ho cất đầu lên ngó,