tìm ngọc làm khó, mà lại lấy sự đỗ quan làm khó, vậy từ rày về sau cậu lo
học là hơn". Kế Tổ nói: "Thù cha như biển rộng, oán mẹ tựa non cao, ta lẽ
nào lại không lo học. À! Mà người là ân nhân của ta lẽ nào lại đối xử như
chủ tớ cho đành". Nghê Trung nói: "Cậu nói vậy là phải, song chẳng nên
tiết lộ việc hôm nay ra, e có điều trở ngại về sau, phải nên giữ gìn cho kín
đáo mới được". Kế Tổ gật đầu. Hai người về đến nhà vẫn giữ một mực như
thường, không hề để cho ai biết tâm sự.
Nghê Kế Tổ nhớ lời mẹ dặn, quyết rửa thù cho cha nên cố gắng học hành,
trong hai năm đã đỗ Hương bảng. Lại đến ba năm kế, là năm ngoái, nhằm
buổi hội thi, rủi ông thầy mang bệnh mà chầu trời, nên Kế Tổ lên Đông
Kinh có một mình với Nghê Trung lão bộc, vào hội Tiêu Lâm gặp Âu
Dương Xuân, Đinh Triệu Lang và trả nợ cho Trương lão nhị đó.
Kế Tổ ở kinh chờ tới ngày mở trường thi, vào ứng khảo được chấm đậu thứ
chín, vào điện thí được trúng Bảng nhãn, kế Khánh Châu khuyết chức Thái
thú, được chỉ phái đi sung nhậm.
Nghê Kế Tổ vâng chỉ, ra bái tạ Bao Công trở về bái tổ, bấy giờ mới đem
việc nhận mẹ ở am Bạch Y thưa lại với Nghê Thái Công và Lương Thị hay.
Hai ông bà là người nhân đức, nghe như vậy thì mừng lắm, liền cho rước
Lý Thị về nhà, song Lý Thị đã có ước xưa nguyền cũ, lại Kế Tổ phải đi
nhậm chức tại Khánh Châu, nên không chịu, chỉ ở lại am Bạch Y, vui vẻ
với bà vãi thôi.
Kế Tổ thấy mẹ lòng trần đã dứt, nên dặn dò bà vãi và trợ cấp bạc tiền, rồi
cùng với lão bộc Nghê Trung thẳng ra Khánh Châu phó nhậm. Vừa đến nơi
thâu được rất nhiều cáo trạng, xem kỹ cả thảy, đều là cáo tên Mã Cường
chủ Bá Vương trang.
Nguyên Mã Cường này là em của chủ Thái Tuế trang Mã Cang, nó cậy thế
chú là Mã Triêu Hiền nên sang đoạt ruộng vườn, tiền của, cướp vợ bắt gái
của người, làm rất nhiều điều bạo ngược tàn ác. Nhà nó có lập một chỗ
riêng, gọi là quán Chiêu Hiền, để dung nạp những anh hùng hào kiệt, vì vậy