Triệu Lang và Ngại Hổ nghe nói cả mừng, duy có Trí Hóa thời làm thinh
chỉ đưa mắt ngó Ngại Hổ. Ngại Hổ bèn ung dung nói rằng: "Bây giờ chú
Hai đã làm xong bổn phận rồi, còn phận của cháu, cháu cũng xin đi lo cho
xong". Trí Hóa nói: "Ớ trò ơi! Chuyện này là chuyện của trung thần nghĩa
sĩ chớ không phải chuyện chơi. Ta và chú mày đã vào nơi nguy hiểm, tới
chốn gai chông, xếp đặt các việc yên thỏa rồi, mi có lên Đông Kinh nên cẩn
thận chớ để lỡ chuyện ra mà hại tới tính mạng trung thần nghĩa sĩ!”. Hai
anh em họ Đinh cũng nói: ”Cháu nên thận trọng kẻo lưu hại tới thầy cháu
nữa”. Ngại Hổ nói: "Bẩm thầy và hai chú! Đi chuyến này, Ngại Hổ xin thề
trước rằng: Dầu cho đầu đứt chớ lòng cũng chẳng dời”. Trí Hóa nói: "Ta
cầu cho mi giữ được như lời, đây là bức thư gửi cho Bạch ngũ thúc của mi
đây, lên tới Đông Kinh nhớ trao cho người". Ngại Hổ tiếp lấy thư đút vào
túi áo rồi trở vào trong sửa soạn hành lý đi lên Đông Kinh. Anh em họ Đinh
và Trí Hóa đưa tiễn ra đến cửa còn dặn rằng: "Cháu ráng nhớ mũ để sau
tấm vách mé tả cốt Phật giữa nhé". Ngại Hổ dạ dạ rồi quảy túi hành lý lên
vai.
Thật là:
Có chí lựa gì người tuổi nhỏ
Không tài càng hổ kẻ râu dài
Ngày kia Ngại Hổ đi tới Đông Kinh, vào thành đi qua phủ Khai Phong chớ
chẳng tìm Bạch Ngọc Đường. Ngại Hổ đương đi dọc đường, bổng nghe có
tiếng nạt rằng: “Tránh, tránh cho kiệu Thừa tướng đi" thời trong bụng cả
mừng, bèn chờ kiệu đi tới ra quỳ đón mà kêu oan. Bao công liền bảo
Trương Long bắt đem về phủ, rồi vội vã thăng đường sai đem Ngại Hổ vào
hỏi rằng: "Trẻ nhỏ kia tên họ là gì?”. Ngại Hổ thấy Bao Công rất nghiêm,
lại thêm các tráng sĩ đứng la liệt hai bên thời có ý khâm phục, bèn thưa
rằng: "Tiểu nhân họ Ngại tên Hổ, năm nay mười lăm tuổi, vốn là tôi tớ của
Viên ngoại Mã Cường". Bao Công hỏi: “Mi tới đây có việc gì?". Ngại Hổ
thưa: “Tiểu nhân có rõ được một việc gian nghịch, lại nghe người ta nói hễ
ai biết được điều gian nghịch mà không tố cáo quan trên thì mang tội nặng,