quan huyện đi lấy bạc về trả cho Vương Thị. Lý Tôn và bảy nhà nọ được
tha, lưu Thi Tuấn ở lại phủ, còn Ngô Ngọc thời đem về ngục dưới huyện
chờ qua thu sẽ xử. Quan huyện vâng lệnh từ giã lui về.
Thiệu Công xử xong án, trở vào tới thư phòng kêu Cẩm Tiên tới hỏi thăm
lại một lượt nữa: ”Mi có biết bạn bè của lão gia mi là ai hay không?". Cẩm
Tiên thưa: "Lão gia tôi có hai người bạn, một người là Binh bộ thượng thư
Kim Huy, một vị là Thái thú Thiệu Ban Kiệt”. Tên thơ đồng đứng bên nghe
Cẩm Tiên nói tới đó liền kéo áo Cẩm Tiên mà rằng: "Sao mi nói hỗn hào
không kiêng quan húy”!. Cẩm Tiên thất kinh quỳ xuống xin lỗi. Thiệu
Công cả cười rằng: “Ta đây là Thái thú Thiệu Ban Kiệt, còn Kim lão gia đã
nhận Thái thú Tương Dương rồi". Nói đoạn sai thơ đồng lấy áo quần giầy
mũ đem ra cho Thi Tuấn thay. Cẩm Tiên lén nói cho Thái thú biết vị lão gia
này là Thiệu Công và nghe nói Kim Công đã nhận Thái thú Tương Dương.
Thi Tuấn nghe nói cả mừng thay đổi y phục xong, bèn vào thư phòng lạy tạ
Thiệu Công. Thiệu Công lại hỏi tình do, thời Thi Tuấn bắt đầu thuật cả đầu
đuôi song việc giận Kim Công thời đổi lại, vì Kim Công sửa soạn đi nhậm
chức nên không tiện ở, phải về nhà, ai dè đau ốm và gặp việc này. Thiệu
Công nghe nói gật đầu. Khi nói tới thi phú văn chương, Thi Tuấn đối đáp
suông sẻ rõ là người học rộng biết nhiều. Thiệu Công rất vui lòng, nên lưu
giữ ở lại phủ.
Những lúc rảnh rang, Thiệu Công và Thi Tuấn trò chuyện, nhân hỏi tới
cuộc hôn nhân, Thi Tuấn liền đem chuyện cha mình hứa hôn với Kim
Công, song hai trẻ còn thơ ấu nên chưa nộp sính. Thiệu Công nghe xong
bèn đem việc cứu tiểu thư giả lúc dọc đường thuật lại cho Thi Tuấn nghe,
và nói tiếp: "May hai cháu trời xui tới đây gặp gỡ một đứa là con của Kim
huynh, một đứa là con của Thi đệ, vậy ta đứng giữa tác thành cho hai đứa
nên đôi". Thi Tuấn không chối từ được, phải chịu. Thiệu Công mừng lắm,
vào nói cho phu nhân hay, giao phần cho phu nhân lo liệu công việc cho
tiểu thư, còn mình thời lo liệu công việc cho Thi Tuấn, lựa ngày lành tháng
tốt làm đám cưới.