nhưng sau được tin anh về đất liền. Anh Minh là đồng chí trẻ nhất trong
đám những người ở chuồng cọp. Anh quê ở Bình Thuận, làm nghề thợ
mộc, tham gia du kích xã từ lâu. Sau ngày hòa bình lập lại, anh về Sài Gòn
và vài năm sau, bị bắt. Có dạo, anh đã cùng ở Gia Định, Thủ Đức với tôi và
cháu Mười. Lúc đó, anh đấu tranh chống chính diện rất hăng. Tháng 7 năm
1959, bị địch đày ra Côn Lôn, anh chống "ly khai" và về lao 1 từ ngày đầu
tiên ra đảo, kiên trì cuộc đấu tranh chống "ly khai" cho đến ngày ra tù.
Chúng tôi rất mến anh, người đồng chí mới chừng ba mươi tuổi mà rất chắc
chắn, vững vàng. Anh ít nói nhưng đối với địch lại hay bốp chát, búa bổ;
chúng tôi thường gọi đùa anh là "em ông già Ngọc" ở cái chỗ đó. Có một
lần, một tên công an hỏi anh:
- Tại sao cứ nằm đó chịu khổ mà không "ly khai"?
- Các ông là đồ dã man - anh Minh nói - Các ông đày ải chúng tôi thế
này à? Chúng tôi là người, chứ đâu phải mình đồng da sắt, chúng tôi thử
hành hạ các ông thế này một buổi xem các ông có chịu nổi được không?
Gọi thằng địch là "đồ" như vậy không dễ đâu!
Tôi nhớ mãi, ngày thằng Y đánh phá lao 1 ở sân Hý viện, tôi gặp anh
ở chỗ đi tiểu, khẽ bảo anh: "Tình thế gay go đấy, cố gắng làm tròn nghĩa vụ
đảng viên..." thì anh nhỏ nhẻ: "Tôi chết thì thôi, chứ đâu lại có "ly khai"à?".
Hôm địch đưa anh về đất liền, chúng tôi rất lo ngại. Lúc anh rời
chuồng cọp, tôi đã tranh thủ bảo anh:
- Nó đưa về đất liền là gặp nhiều khó khăn đấy. Cần cảnh giác, tránh
âm mưu ám hại, thủ tiêu giữa đường. Nhớ luôn luôn chống chính diện, nắm
vững ngọn cờ tiên phong của Đảng!
Anh Minh lại buông gọn có một câu cụt lủn như hôm nào:
- Tôi chết thì thôi chứ lại...