đặc điểm riêng. Mỗi bức tường xà lim đều có những nét "địa lý" đặc biệt
của nó. Đi sâu vào các nét "địa lý" ấy, có thể sẽ tìm ra những điều bí mật và
lý thú: một cái kho chẳng hạn. Trong kho có mấy hạt tiêu, một mẩu gừng
khô quắt, một đầu tăm thuốc cảm... Người chủ cái kho này có thể đã chết
cách đây hơn mười năm nhưng những của cải rất ít ỏi nọ, theo ý của chủ
vẫn còn lại đây và phục vụ đắc lực được cho cuộc đấu tranh hiện nay của
chúng tôi... Ở một gian chuồng cọp, tôi đã tìm thấy một cái đuôi cá khô,
mốc dày đến nửa phân nhưng còn đủ mặn để nhấm khi bị đánh đau.
(Những mẩu cá này, theo anh em nói, những đêm thật tối, đèn điện hỏng,
thường vẫn phát ra ánh sáng xanh mờ mờ trong cái kho kín đáo). Bên cạnh
cái đuôi cá khô là một mảnh giấy vàng khè chỉ đọc được mấy chữ ở trên
cùng "Hôm nay, mồng 1 tháng 5 năm 1951, ngày hội của...". Một bài diễn
văn trong tù cách đây đã hơn mười năm...
Chính trong căn chuồng cọp số 32 này, tôi đã tìm thấy qua những vết
vôi ố loang ở trên tường hình của Hồ Chủ tịch, cũng như tôi đã tìm thấy
hình của Lênin, ở gian 47 hay 48 dạo nọ. Không thấy thì thôi, chứ một khi
đã bắt đầu nhận ra là rất lạ, càng trông càng thấy giống. Giống vô cùng kia.
Bác cầm một bó hoa giơ lên và Bác cười. Dưới chân Bác là hình hai người
đang co cẳng chạy. Một người gầy, mũi lõ, cắp một cây gậy ở nách, tôi gọi
là Mỹ. Một người thấp, hai tay giơ lên đầu, tôi gọi là Diệm. Một chiếc giày
của nó văng ra xa. Nằm mà xem mấy cái hình này hết sức thú vị. Tôi đâm
ra nghĩ lẩn thẩn rằng tôi nhất định sống về được với Đảng, với dân. Cái
hình này chẳng là một cái hình có nhiều ý nghĩa đó sao? Bác vào Sài Gòn
thăm đồng bào, đang giơ hoa vẫy chào đồng bào ta đó thôi.
Tôi cứ tiếc mãi rằng ở cạnh hình của Bác lại là cửa ra vào. Hình như
nếu ở đấy không vướng cửa thì sẽ còn nhiều hình đẹp nữa cho tôi xem...
Anh Nguyễn Minh bị địch đưa về đất liền trong dịp này. Một hôm, vào
tháng năm, chúng gọi anh ra, bắt mang theo cả đồ đạc. Lúc đầu, chúng tôi
tưởng chúng đem anh đến một nơi nào ở đảo nhằm một âm mưu nào đó,