rằng cảnh ngôi vườn này, cô gái nhỏ này, bộ áo sọc này, tất cả lại còn có thể
tồn tại ở một nơi nào đấy trên thế gian này?
Tấm ảnh kia chụp một người đàn bà và một cậu bé ngồi trên một chiếc
trường kỷ, cả hai đang xem một cuốn sách hình thật lớn. Hình dáng người
mẹ gầy gầy, có những nét thanh nhã, vóc có vẻ cao, trong khi ấy thì thằng
bé phải vào khoảng bẩy tuổi lại có gương mặt thật rắn rỏi, thằng bé không
nhìn vào quyển ảnh mà lại nhìn mẹ nó, vẻ mặt thằng bé rất sáng sủa, dường
như nó đang chú hết tinh thần nghe mẹ nó giảng giải về những hình ảnh.
Hai mắt thằng bé rất lớn, giống như cặp mắt mẹ nó.
Nhìn chung, tất cả mọi người trong cái gia đình này hình như là những
người được chụp có lựa chọn, có mục đích gì. Chính Zotov cũng chưa bao
giờ được biết một gia đình nào như gia đình này, nhưng trong ký ức nhỏ bé
xa xôi nào đấy của chàng còn mơ hồ ghi lại một vài chi tiết còn sót lại
trong Viện triển lãm Tretyakov, từ một sân khấu, hay từ những câu chuyện
tiểu thuyết nào, những thứ ấy có mô tả về cuộc sống như cuộc sống trong
bức ảnh này của gia đình. Bỗng chàng cảm thấy như từ hai tấm ảnh này
thoáng hiện ra luồng văn hoá và dễ chịu.
Vừa trả lại Iveritinov hai bức ảnh, chàng vừa hỏi:
"Ông có vẻ nực. Sao ông không bỏ hẳn áo ngoài ra?"
"Tôi xin phép".
Rồi ông ta cởi áo, chiếc áo bẩn thỉu. Rồi ông ta lúng túng không biết
mắc cái áo vào đâu. Zotov giơ tay chỉ về phía ghế trường kỷ:
"Ông để trên ghế ấy".
Bây giờ thì có thể thấy được bộ quần áo mặc mùa hè thật luộm thuộm
nghèo nàn của ông ta: tất cả các khuy trên áo ông ta đều mỗi thứ một cái,
chẳng cái nào giống cái nào. Zotov lại nhận thấy Iveritinov rất vụng về về