Không ai nghĩ đến việc tranh cử tổng thống bằng cách bộc lộ điểm yếu hay xuất
hiện trong chương trình truyền hình kiểu đó. Cử tri kỳ vọng ở ứng viên một con người tự
tin, mạnh mẽ, chứ không phải là người chưa vượt qua được những ký ức không vui thời thơ
ấu. Clinton là ứng viên tổng thống đầu tiên chủ động đi theo con đường này. Phe đối
lập nhanh chóng gán cho Clinton hai từ “kỳ quặc” và “lập dị”. Nhưng Clinton không nao
núng. Trong một chương trình tivi, ông còn trả lời thẳng thắn các câu hỏi xoay quanh cảm
giác “lớn lên trong một gia đình có cha nghiện rượu và em trai nghiện ma túy”. Thay vì
bối rối và ngượng ngùng trước những câu hỏi kiểu này, Clinton khiến mọi người ngạc
nhiên khi tỏ thái độ cởi mở và chân thành về quá khứ, đồng thời nói về những hiệu ứng
tích cực mà ông đã nhận được sau các biến cố tâm lý.
Đầu tháng 6 năm 1992, Clinton mới chỉ đạt 33% số phiếu tín nhiệm; nhưng đến
cuối tháng, số phiếu đã tăng lên 77%. Các bài diễn thuyết của Clinton đã chuyển từ
cấp độ xã giao sang chân thành chia sẻ. Và chiến lược đó đã giúp ông chiến thắng
trong cuộc bầu cử và trở thành tổng thống thứ 42 của nước Mỹ.
Sự bày tỏ bản thân chân thành có thể mang lại hiệu ứng tích cực đến thế, vậy tại sao
chúng ta vẫn thường tránh né và ngại ngùng khi có cơ hội thể hiện bản thân? Bởi đằng sau
đó còn có một nỗi sợ lớn hơn: Chúng ta sợ mọi người lợi dụng thông tin mà chúng ta chia
sẻ hoặc sợ mọi người cho rằng chúng ta đang muốn nhờ vả, trợ giúp. Nhưng trên tất cả
là do ta không nhận ra sức mạnh to lớn của hành động này trong việc thiết lập sự thân
thuộc tức thời. Dường như chúng ta đã được mặc định rằng chỉ nên tiết lộ thông tin khi
cần thiết. Thế nhưng việc bày tỏ bản thân vào đúng thời điểm thích hợp với một người
thích hợp có thể làm thay đổi một mối quan hệ. Khi đó, đối phương sẽ nhận ra rằng
chúng ta tin tưởng họ, muốn tìm hiểu về họ và mong muốn phát triển mối quan hệ lên
cấp độ cao hơn.