Nhưng sau đó, Moon viết lại chương trình khác, trong đó máy tính sẽ “chủ động bày tỏ
bản thân” trước khi đặt ra câu hỏi, chẳng hạn như: “Chiếc máy tính này đôi lúc trục trặc,
mà sự cố thường xảy ra vào những thời điểm không phù hợp, gây bất tiện cho người
dùng. Còn bạn, trong cuộc đời mình, bạn đã từng làm gì khiến bản thân cảm thấy có lỗi
và hối tiếc?”.
Các sinh viên trường Harvard đều nhận thức rõ rằng máy tính chỉ là một công cụ vô
tri - nó không có cảm xúc. Và để chắc rằng không một sinh viên nào nhầm lẫn khi nghĩ
họ đang trò chuyện với một con người, Moon không sử dụng đại từ “tôi”. Máy tính được
mặc định là “Chiếc máy tính này”.
Tuy nhiên, khi máy tính tỏ ra tiết lộ những “thông tin thầm kín” của nó thì những
sinh viên tham gia thử nghiệm cũng phản ứng tương tự - họ không ngần ngại bộc bạch nỗi
lòng. Trong khi nhóm đầu tiên có xu hướng quanh co và không nói sự thật thì nhóm thứ
hai tỏ ra khá thật thà: “Tôi thấy có lỗi khi đã từ bỏ gia đình. Tôi tin gia đình là một phần
quan trọng trong cuộc đời mỗi người, do vậy đôi lúc, tôi thấy hổ thẹn vì những việc mình
làm khiến tôi càng lúc càng xa gia đình hơn”. Họ trả lời một cách cởi mở và chân thành.
Và khi được hỏi về chương trình vừa tương tác, tất cả đều mô tả chương trình thân
thiện, gần gũi, thiết thực và hữu ích.
Sự thể hiện và bày tỏ bản thân sẽ hiệu quả nhất khi nó xuất phát từ sự chân thành.
Chúng ta dễ dàng thông cảm với sự chân thành của người khác, cho dù đó là chiếc máy
tính vô tri vô giác tại trường Harvard hay một chính trị gia dày dặn kinh nghiệm của bang
Arkansas nước Mỹ.
������
✦✦✦
Tháng 6 năm 1992, năm tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thống đốc bang
Arkansas lúc bấy giờ là Bill Clinton đang đứng ở vị trí thứ ba, sau hai ứng viên George H.
W. Bush và Ross Perot. Tai tiếng từ vụ bê bối tình ái với ca sĩ Gennifer Flowers và quá
khứ từng trốn quân dịch khiến triển vọng của Clinton dường như không còn. Cử tri
không dành sự ưu ái cho ứng cử viên này.
Với nỗ lực cuối cùng, Clinton quyết định xuất hiện trong một chương trình trò
chuyện trên truyền hình và chia sẻ về cuộc sống riêng, về tuổi thơ với người cha kế
nghiện rượu… Nói cách khác, Clinton đã khéo léo hé mở những góc khuất đáng thương
trong cuộc đời.
Chúng ta tự hỏi liệu những gì Clinton chia sẻ có bao nhiêu phần là sự thật, bao nhiêu là
nhằm củng cố vị thế của ông. Có thể cho rằng thái độ mở lòng của Clinton vừa chân
thành, vừa mang tính chiến lược. Nhưng dù với mục đích gì thì điều quan trọng là cách
làm đó đã giúp ông thiết lập sợi dây gắn kết với các cử tri theo cách mà chưa một ứng
viên tổng thống nào trước đây làm được.