lại căn bệnh ung thư… Nói cách khác, mọi người mở lòng với nhau và không ngần ngại thể
hiện con người thật nhất của mình, sẵn sàng phá bỏ những bức tường ngăn cách vốn
giam giữ họ trong nỗi sợ hãi, cảm giác đau đớn và sự yếu đuối. Điều khiến họ ngạc
nhiên chính là việc bày tỏ tâm tư đã mang mọi người đến gần nhau hơn, tin tưởng nhau
hơn.
Việc thiết lập quan hệ thông qua giao tiếp được phân chia thành năm cấp độ: chào
hỏi xã giao, trao đổi thông tin, tìm hiểu quan điểm, sẻ chia cảm xúc và gắn kết mật
thiết. Ba cấp độ đầu được coi là cấp độ giao tiếp và hai cấp độ sau là gắn kết.
Ở
cấp độ thứ nhất, những câu nói xã giao như “Chào anh/chị” hay “Trời hôm nay
nóng nhỉ?” ít nhiều mang tính chất bôi trơn cho các mối quan hệ xã hội. Chúng ta nói
lên những điều này không vì mục đích chủ động phản hồi, mà bởi vì chúng giúp xóa bỏ
rào cản trong các mối quan hệ xã hội.Ở cấp độ thứ hai, mọi người thường chia sẻ và trao
đổi vài thông tin cơ bản như “Anh/chị làm công việc gì?”. Những lời nói này mang tính tìm
hiểu chứ không nêu ra bất kỳ trạng thái cảm xúc hay quan điểm nào của người nói.
Sang cấp độ thứ ba, thông tin bạn chia sẻ kiểu như “Bộ phim này thật thú vị” đã thể
hiện góc nhìn riêng của bạn. Đây là những câu khẳng định mang tính đánh giá – những
câu bắt đầu thể hiện quan điểm về một người hoặc một sự việc nào đó. Đây chính là lúc
bạn bắt đầu cảm thấy cuộc đối thoại có giá trị và ý nghĩa.
Ba cấp độ giao tiếp trên – đối đáp xã giao, lấy thông tin và nhận định – tạo thành
lối giao tiếp hướng về việc truy xuất thông tin (ngược với dạng giao tiếp nghiêng về
cảm xúc). Để có thể thật sự hiểu về đối phương, bạn cần thổ lộ cảm xúc, nghĩa là bạn
bước sang cấp độ thứ tư.
Cấp độ thứ tư trong giao tiếp được các nhà tâm lý học gọi là “điểm chốt”. Những lời
nói dạng này sẽ trực tiếp thể hiện quan điểm, chẳng hạn như “Em buồn vì anh không có
mặt ở đây” hay “Anh rất hạnh phúc vì có em trong đời”, đều ẩn chứa cảm xúc riêng của
người nói. Chúng ta thường bỏ qua lối giao tiếp này với người thân hay những người mà
chúng ta thật sự tin tưởng. Đối với những người gần gũi với mình, chúng ta rất ít khi sử
dụng lối giao tiếp mà chúng tôi gọi là “bày tỏ và giao thoa cảm xúc”, tức là mức độ giao
tiếp mà chúng ta chia sẻ và thể hiện những cảm xúc chân thật nhất của mình.
Cuối cùng, cấp độ cao nhất của một mối quan hệ chính là sự gắn kết mật thiết.
Không phải ai cũng đạt đến cấp độ gắn kết cao nhất bởi nó đòi hỏi sự thấu hiểu sâu
sắc cùng thời gian quen biết lâu dài. Thông thường, sự gắn kết mật thiết có trong các
mối quan hệ gia đình, vợ chồng, bạn bè thân hữu, tri âm tri kỷ hoặc quan hệ đồng
nghiệp quen biết từ lâu.
Quan trọng hơn cả là chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những sự gắn kết kỳ diệu chỉ
đơn giản bằng cách thay đổi ngôn từ từ lối chào hỏi xã giao đến bày tỏ và giao thoa,
gắn kết.