Mỗi trưa thứ Sáu tại Trường Kinh doanh Stanford, các sinh viên cao học sẽ cùng nhau tụ
họp để tham gia một cuộc tranh luận được tài trợ. Thức uống được cung cấp miễn phí.
Sinh viên chia thành nhiều nhóm nhỏ, vừa nhấp vài ngụm bia trong chiếc cốc giấy,
vừa tranh luận về bất cứ đề tài nào mà họ nghĩ đến – cuộc thi giữa kỳ sắp tới, những
cuộc phỏng vấn xin việc, kế hoạch thi đấu vòng loại giải golf với các cựu sinh viên...
Trong không khí sôi nổi đó, một sinh viên năm nhất đã nghe lỏm về điều gọi là “bày tỏ
tâm tư” và tò mò đến hỏi thăm. Nhưng anh ta chỉ được trả lời rằng đó là bí mật.
Trường Kinh doanh Stanford nổi tiếng về các khóa học tài chính, kinh tế, quản trị và
thống kê, song lớp học phổ biến nhất của chương trình MBA lại là lớp Kỹ năng gắn
kết cá nhân, tuy mọi người ở đây đều gọi đó là lớp “bày tỏ tâm tư”. Khi Ori còn học năm
nhất của chương trình MBA tại trường, anh đã ấn tượng với những nhóm theo học lớp
này.
Một lớp học điển hình của Stanford được tổ chức trong một thính phòng nhỏ với không
khí trang nghiêm. Ngày đầu tiên, các giáo sư đã đề cập ngay đến nội dung tương đương
nửa cuốn giáo trình. Các sinh viên khi đến lớp đều phải đọc trước nhiều tài liệu có liên
quan. Giáo sư còn đưa ra hàng loạt câu hỏi hóc búa đòi hỏi tư duy sâu theo kiểu Socrat.
Đây là cách làm phổ biến được thiết kế để giáo dục và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên,
giúp họ chuẩn bị tinh thần cho những quyết định quan trọng sau này khi hòa nhập vào
môi trường kinh doanh quốc tế.
Sau năm đầu tiên với những kiểu lớp học tương tự,
Ori bắt đầu tham gia lớp “bày tỏ tâm tư”. Các nhóm sinh viên tập họp tại một phòng
học nhỏ. Bàn được đẩy sát vào tường, còn 30 chiếc ghế được xếp thành vòng tròn. Một
người đàn ông trung niên bước vào và tự giới thiệu: “Tôi là người hướng dẫn của các bạn”,
rồi ngồi xuống ghế. Các sinh viên lẳng lặng làm theo.
Mọi ánh mắt đổ dồn về phía ông chờ đợi, nhưng ông cố tình im lặng. Thế là các
sinh viên chủ động khơi mào cuộc đối thoại, dù họ chưa hề có kế hoạch trước và cũng
chẳng có một đề tài nào cụ thể. Sự hỗn độn và thiếu kiểm soát là những gì chúng ta có
thể hình dung về không khí buổi học đầu tiên.
Cuối cùng, người hướng dẫn cũng tiết lộ bí mật của chương trình “bày tỏ tâm tư” này:
đó là chia sẻ cảm xúc của bạn với nhóm - “tại đây và ngay lúc này”. Dù các sinh viên ở đây
từng lăn lộn trong thương trường với vai trò là những nhà tư vấn hoặc những nhà đầu tư
kỳ cựu, nhưng việc nói ra những điều như vậy với họ thật không mấy dễ dàng.
Trong những tuần tiếp theo, mọi người trong nhóm lần lượt cố gắng bày tỏ cảm
xúc của mình. Do tính chất nhạy cảm nên mọi người thỏa thuận rằng nội dung cuộc trò
chuyện sẽ được bảo mật tuyệt đối. Đến tuần thứ tư, điều kỳ diệu đã xảy ra. Các thành
viên bắt đầu chia sẻ những chuyện mà họ chưa từng kể với ai - cảm giác khi mất đi vị
hôn thê/hôn phu, đấu tranh với chứng rối loạn ăn uống, thậm chí cuộc chiến chống