Joe: Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng lúc cô ấy đến bệnh viện thì tôi còn
đang trên máy bay. Khi xuống sân bay, tôi nhận được tin nhắn họ đang trên đường
đến bệnh viện. Tôi lao xe đi với tốc độ 140 km/giờ. May thay, tôi đến vừa kịp lúc, mọi
chuyện vẫn ổn. Ngày hôm sau, chúng tôi trở về nhà, và lúc đó tôi lại bị phạt vì chạy quá
tốc độ.
Mọi người bật cười.
Bạn có nhận ra không? Đây là cuộc trò chuyện khá đơn giản và không liên quan đến
công việc. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng chính những lời thăm hỏi đã hình thành
sợi dây gắn kết xã hội. Cuộc trò chuyện khởi đầu từ lời hỏi thăm của vị giám đốc
Josh khi ông thấy Joe có vẻ mệt mỏi. Những nhân viên khác trong phòng họp cũng
tham gia vào câu chuyện và chia sẻ niềm vui với Joe. Đây là cơ hội để mọi người trong
công ty xích lại gần nhau. Sự quan tâm như thế khó xảy ra trong một cuộc họp trực
tuyến.
Hãy nhớ lại các học viên ở học viện cảnh sát Maryland. Khi ngồi cạnh một người, bạn
có xu hướng đối thoại với họ về mọi đề tài, từ thời tiết đến trận bóng tối qua. Bạn
sẽ có cơ hội tiếp xúc, tương tác và tìm hiểu họ. Cứ như vậy qua thời gian, bạn không
nhận ra rằng những tương tác này đã trở thành nền tảng cho các mối quan hệ mới.
Không có những tương tác tự phát như thế, bạn sẽ khó tạo dựng các mối quan hệ
bởi thiếu đi “chất keo xã hội” gắn kết bạn và người khác. Khi đó, hai bên sẽ dễ nảy
sinh mâu thuẫn và hiểu lầm hành vi hay cử chỉ của nhau.
Theo lý thuyết lôi cuốn ngoại biên, các nhóm cùng một phòng ban hay chung một
bộ phận ít có mâu thuẫn về trách nhiệm và nghĩa vụ. Họ cảm thấy dễ đồng thuận với
một chiến lược kinh doanh của công ty nhằm cùng nhau phát triển. Các thành viên của
các nhóm gần nhau cũng có xu hướng dễ hòa hợp với nhau hơn – và giữa họ cũng ít xảy
ra các xung đột cá nhân. Khi các nhà nghiên cứu trò chuyện với các thành viên của các
nhóm, họ nhận ra rằng chính những cuộc trò chuyện xoay quanh đời sống hàng ngày
giữa các thành viên trong cùng một nhóm, bộ phận đã làm giảm đáng kể mọi xung đột.
Các cuộc đối thoại này mở đầu cho hiện tượng tương tác đồng thời, “diễn ra trong
khung cảnh chung và phát huy những điểm tương đồng”. Nói cách khác, chính sự gần
gũi đã gắn kết các thành viên trong một tập thể lại với nhau.
Nhưng nếu thiếu vắng yếu tố ngôn ngữ thì sao? Nghĩa là sự tương tác diễn ra
theo hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ, chẳng hạn như chúng ta gật đầu hay mỉm cười
chào người quen. Các nhà tâm lý gọi sự tương tác này là giao tiếp thụ động – vốn được
ghi nhận trong tiềm thức của mỗi người. Các cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng càng giao
tiếp thụ động với người khác, ta càng có nhiều khả năng bị họ cuốn hút.