bước tiến vượt bậc. Hiện tại, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Hàn Quốc là 4,1/1.000
trẻ, trong khi đó tỷ lệ này ở Mỹ là 6,3/1.000 trẻ. Tuổi thọ trung bình của người
Hàn Quốc là 79 tuổi so với của người Mỹ là 78.
Song, với mức sống tăng cao và nền kinh tế phát triển, tỷ lệ tự tử ở Hàn
Quốc lại tăng nhanh vào năm 2005. Trung bình, trong 4.000 người thì có một
người tự tử, cao gấp ba lần so với 20 năm trước.
Vì sao vậy? Một thành viên trên diễn đàn trực tuyến của Hàn Quốc đã lên
tiếng cho số đông còn lại trên đất nước này: “Tôi không tìm được lý do để tiếp
tục sống. Tôi sống chẳng có ý nghĩa gì. Nếu tôi chết đi thì cũng chẳng ai quan
tâm, ngay cả cha mẹ tôi. Ai đó có thể chỉ tôi một cách tự tử nhẹ nhàng hay
không?”. Điều bất ngờ là những lời lẽ này được viết bởi một học sinh lớp Sáu.
Theo Klerman và Weissman, khi trở thành một nước công nghiệp, Hàn Quốc
cũng vướng phải cùng một vấn đề của các nước phương Tây: khi đất nước phát
triển hơn thì tỷ lệ trầm cảm và tự tử của người dân cũng tăng vọt. Nhưng nguyên
nhân ắt hẳn không nằm ở sự phát triển này. Việc có một chiếc máy giặt trong
nhà sẽ không khiến cả gia đình đó trở nên chán nản. Vậy, tại sao khi đất nước
phát triển, con người lại đánh mất niềm vui và hạnh phúc?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần đến phép so sánh. Tuy quá trình công
nghiệp hóa của Mỹ và Hàn Quốc khác nhau, nhưng hóa ra, giữa hai nước này có
cùng một xu hướng chung và xu hướng đó cũng tồn tại giữa những nền công
nghiệp khác nhau trong cùng một nước.Nhật Bản là một nước công nghiệp cao, có
nền công nghệ phát triển nhưng vẫn giữ được yếu tố truyền thống. Các nhà
nghiên cứu của Trường Y Jichi đã có cơ hội quan sát hai nhóm người sống trong
cùng một giai đoạn tại Nhật: nhóm thứ nhất đảm nhận các hoạt động trí óc (nhân
viên văn phòng, quản lý, kỹ sư…) và nhóm thứ hai làm công việc chân tay (nông
dân, thợ thủ công…). Kết quả cho thấy nhóm thứ nhất dễ bị trầm cảm hơn
nhóm thứ hai.
Quả thật, cuộc sống thời kỳ hậu công nghiệp hóa rất khác so với những buổi
xông hơi tập thể của Wahpepah. Trong lều xông hơi, bạn và mọi người ngồi cạnh
nhau, cùng trò chuyện và chịu đựng hơi nóng; trong thời gian đó, bạn là một
phần của một tập thể gắn bó. Ngược lại, trong nền kinh tế phát triển, một
ngày của bạn chỉ quanh quẩn trong văn phòng có máy điều hòa, làm việc một
mình bên cạnh máy tính và rất ít cơ hội giao tiếp với mọi người. Hơn thế nữa,