đến, và rồi cả dân làng bên cũng chạy sang. Người ta tiến hành khai quật.
Trong một hào giao thông sâu chất hàng trăm xác người. Thôi thì đủ: người
Nga, U-cra-i-na, người Do Thái, Tác-ta, nói gọn là nhiều người thuộc các
dân tộc rất khác nhau.
Những người địa phương nhớ lại, họ đã thấy quân Đức dẫn qua làng ít
ngày trước khi bộ đội ta đến, một đoàn đông tù binh Xô viết. Mọi người
nghĩ rằng bọn Đức đưa họ đến làm việc ở sân bay. Rồi người ta nghe thấy
nhiều tiếng súng nổ. Vì thường chúng luôn luôn bắn súng ở sân bay nên
không ai nghĩ là bọn phát xít đã bắn tất cả các tù binh đó.
Chúng tôi đã chôn cất những người anh em bị giết theo nghi lễ quân sự,
dựng lên trên những nấm mồ một đài kỷ niệm và thề sẽ trả thù cho họ. Và,
bây giờ mối thù không thể nào nguôi đối với bọn quốc xã càng bừng cháy
hơn lúc nào hết trong trái tim chúng tôi.
Tôi lại gần kỹ sư và nói với anh một cách giản dị như những con người
nói với nhau:
Đừng khóc nữa. Nước mắt không giải quyết được gì. Phải tiến công
chúng mạnh hơn với tất cả niềm phẫn nộ. Mình hứa với cậu ngày mai sẽ hạ
vài đứa để trả thù cho gia đình cậu.
Đồng chí kỹ sư ngẩng đầu nhìn tôi, khuôn mặt đầy lệ, im lặng bắt tay tôi,
tôi siết chặt bàn tay cần cù, từng biết khéo léo sửa chữa những khẩu liên
thanh, đại bác và những thiết bị dẫn đường của chúng tôi.
Sáng hôm sau, Gô-lu-bi-ép và tôi làm nhiệm vụ đi săn tự do, trở về rỗng
túi. Chúng tôi đã dùng gần hết đạn dược để tiến công những đoàn xe địch
trên đường. Bất thần, sở chỉ huy sư đoàn thông báo: có nhiều máy bay ném
bom ở phía bắc Ban-sôi Tốc-mắc. Hãy tiến công chúng!
Chúng tôi vội vàng bay tới địa điểm chỉ định. Ngay lần tiến nhập đầu
tiên, tôi đã bắn cháy một chiếc Giong-ke. Nhưng tôi không có thì giờ bắn
chiếc khác: sáu chiếc Mét-xe đã bám quanh chúng tôi. Vì phải quần nhau
vớt chúng nên chúng tôi không ngăn cản được bọn máy bay ném bom địch
thả bom xuống bộ đội ta.