- Thế ai bảo cậu Tòng là bà ấy ho lao?
- Ai bảo? Ai bảo?... – Tất cả nhao lên như muốn lên án Tòng.
- Tớ cũng chẳng nhớ. – Tòng trả lời yếu ớt. – Tớ nghe thấy thế.
- Cậu nghe chưa chính xác mà đã nói. Cậu ác thế! Ác thế!
- Khổ thân bà ấy. – Một bạn nói. – Làm thế nào để giúp bà ấy bây giờ?
Hay là góp tiền lại đem cho bà ấy.
- Làm thế chẳng được đâu. – Tôi nói. – Mẹ tớ bảo là khi bà ấy ăn hết số
tiền mình cho thì bà ấy lại đói. Hay là khi nào tớ gặp bà ấy tớ sẽ bảo: “Bà
cứ bán bỏng đi chúng cháu lại mua cho bà” mà tất cả chúng mình phải mua
của bà ấy kia, bảo cả bọn lớp khác nữa.
- Ừ, phải đấy! – Một bạn nói. – Tất cả chúng mình đều mua.
- Tất cả.
- Tất cả. – Các bạn đồng thanh tán thành. Có bạn lại còn đề ra mình sẽ ăn
sáng bằng bỏng.
Thế nhưng suốt mấy hôm tôi để ý tìm bà bán bỏng mà chả thấy bà đâu.
Có một đêm tôi đi xem kịch với bố tôi về, hai bố con rẽ vào một hàng phở
định ăn phở, tôi thấy một người đội nón rách ngồi co ro thu mình trong tấm
vải nhựa cũ, áp lưng vào mặt tường phía ngoài lò nấu phở. Bố tôi bảo:
- Đấy con xem, mình đi xem về còn được ăn phở, trong khi có người vừa
đói vừa rét chẳng có chỗ nằm phải ngồi ở ngoài phố trước lò nấu phở cho
đỡ rét. Bố tôi đưa tôi năm đồng bảo tôi mang cho người đó.
- Này bác ơi, – tôi gọi, – cháu cho bác tiền đây này.
Người ấy đẩy cái nón về phía sau và ngửa mặt lên nhìn tôi. Tôi chợt
nhận ra bà là bà bán bỏng. Bà đưa bàn tay run run ra nhận mấy đồng của tôi
mà nét mặt bà lại ngỡ ngàng thảm hại. Hình như bà hơi ngạc nhiên là bà
không xin mà tôi lại cho bà. Bà cứ nói đi nói lại:
- Cảm ơn, cảm ơn cậu. Thật là phúc đức quá!
Cổ tôi nghẹn lại một nỗi hối hận không thể quên được. Tôi nhớ đến lời
dặn của các bạn trong lớp, rồi nói với bà:
- Bà ơi, trước bà bán bỏng ở cổng trường cháu sao bây giờ bà không bán
nữa.
- Ế lắm, cậu ạ, không ai mua cho nên tôi khổ sở thế này.