Nguyễn Hiến Lê
Bảy bước đến thành công
CHƯƠNG V
KHÉO DÙNG TIẾNG VIỆT
Có những người bề ngoài ra vẻ thầy, ông lắm, nhưng ta đừng vội xét họ,
phải đợi họ nói ít lời mới biết được giá trị của họ. Biết bao người vào hạng
“trí thức” mà lầm “mục kích” với “mục đích”, “phương diện” với “phương
tiện”. Và các bạn còn nhớ báo Phong hoá hồi trước đã chế giễu một cách
chua cay một ông cử thi Tri huyện mà dùng lầm bốn tiếng “phụ mẫu chi
dân” để chỉ các quan lớn nhỏ, nghĩa là chỉ hạng “dân chi phụ mẫu”.
Sự dùng sai tiếng và ngữ pháp chẳng những làm cho người khác hiểu lầm ý
ta mà còn cho người một cảm tưởng không tốt về mình nữa. Sự lựa tiếng
mà dùng cũng rất quan trọng, nó là cây thước đo sức học và nền giáo dục
của ta. Chưa ai đếm xem Việt ngữ có được bao nhiêu tiếng, nhưng chúng
tôi tưởng ít nhất cũng trên 5, 6 vạn. Vậy mà biết bao nhiêu người suốt đời
chỉ dùng 5, 6 trăm tiếng thôi, và có nhiều tiếng họ dùng đi dùng lại hoài, cả
trong những trường hợp khác nhau nữa.
Nếu bạn nói: “Tôi hiểu được mà không nói được” hoặc là tả bất kỳ vật gì
cũng dùng những “đẹp quá xá, hay lắm, được lắm” thì thật là dụng ngữ của
bạn không phong phú chút nào hết. Không phải cái gì cũng gọi là “cái”
được. Một đoá hoa, một chùm hoa, một giỏ hoa, chứ không phải là một
“cái hoa”. Một căn nhà, một toà nhà, một ngôi nhà, chứ không phải một
“cái nhà”… Không phải cái gì cũng “ngộ” cũng “kỳ”. Có tiếng “ngộ”
nhưng cũng có tiếng “đẹp, xinh, rực rỡ, lộng lẫy, huy hoàng, bóng bẩy, có
duyên, tươi, nhã…”. Có những cử chỉ “kỳ”, nhưng cũng có những cử chỉ
“lạ lùng, quái dị, khác thường, lố lăng, siêu quần, lỗi lạc…”. Bạn nên thu
thập những tiếng hơi đồng nghĩa với nhau đó, sắp đặt lại, phân biệt từng
tiếng, cân nhắc từng ly rồi hãy dùng. Tài dùng chữ không phải do trời sinh
đâu, do công phu luyện tập.