Nhưng những tiếng ấy thường thay loại, đương ở loại trên nhảy xuống loại
dưới hoặc ngược lại. Như những tiếng lóng dùng lâu thì thành tiếng thân
mật. Ta phải biết những loại đó để tuỳ chỗ dùng cho hợp, vì tiếng nói cũng
như y phục, có tiếng dùng ở nhà thì được, mà dùng trong những đám hội
họp lịch sự thì không nên. Những tiếng cổ dùng trong những câu chuyện
thường ngày thì sai chỗ, nhưng dùng trong một bài để gây lên cái không khí
thời xưa thì lại rất đắc dụng.
DỤNG NGỮ CẦN PHONG PHÚ
Nếu dụng ngữ của ta phong phú, ta được những lợi thế sau này:
1. Ta biết đủ tiếng để hiểu những sách báo đứng đắn.
2. Ta còn hiểu được những tinh vi trong sự lựa tiếng của tác giả nữa và do
đó hiểu được thâm ý của họ.
3. Ta xét được tác giả hoặc diễn giả có hiểu rõ vấn đề họ bàn không hay chỉ
ba hoa để loè đời. Thứ nhất là hồi này ta thường gặp những nhà chánh trị
dùng toàn những danh từ mới, nghe có vẻ thông thái, cao xa lắm mà tư
tưởng thì rỗng như trống, nhạt như bã mía.
4. Ta có thể suy nghĩ rõ ràng về một vấn đề nào đó và diễn đúng những ý
kiến ta muốn phát biểu. Bạn học rộng, tài cao, có nhiều tư tưởng tân kỳ
mặc dầu, nếu bạn không diễn đạt được thì cũng không ai biết được trong óc
bạn có gì hết.