Những âm của ta lại chia ra hai bực: bằng và trắc. Ta nghiệm thấy trong thơ
của ta, như thơ “lục bát”, nếu bỏ những tiếng lẻ đi, chỉ kể những tiếng
chẳng thì cứ một tiếng bằng lại tới một tiếng trắc, như:
Trăm năm trăm cõi người ta,
Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau.
Trong câu sáu: tiếng thứ hai là bằng; tiếng thứ tư là trắc; tiếng thứ sáu là
bằng. Trong câu tám: tiếng thứ hai, bằng; tiếng thứ tư, trắc; tiếng thứ sáu và
tiếng thứ tám, bằng.
Ông Hồ Hữu Tường, trong cuốn Lịch sử văn chương Việt Nam cho đó là
khổ nhạc và ông nói: trong thơ “lục bát” cứ hai tiếng thành một khổ, còn
trong lối thơ tám tiếng thì một khổ là ba tiếng:
Nay là lúc mang sức trâu mãnh liệt,
Giẫm gót cày, tàn phá hết ruộng nương.
Khơi mạch sống ở trong lòng đất chết,
Mở đường lên cho hạt thóc đang ương.
Trong khi nói, ta khó sắp đặt những tiếng cho du dương được. Nhưng khi
viết, ta nên chú trọng đến những đặc điểm ấy. Nếu không chia mỗi câu
thành nhiều khổ nhạc bằng với trắc được, thì cũng nên lựa tiếng sao cho khi
đọc lên, người ta thấy cao thấp, bổng trầm và có một cảm giác êm đềm, thú
vị.
Tất nhiên là cũng có khi phải hùng hồn, phải dùng những tiếng mạnh và
kêu, nhưng đừng rỗng. Có khi câu văn lại phải có điệu trúc trắc, khó đọc.
Ai chẳng nhận rằng câu:
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh