phân biệt được hết những tiếng đó không? Rồi xin bạn kiếm những tiếng
đồng nghĩa với “đổi”, “cắn”, “ăn”, “chép”, “nói”.
Ông Robert Louis Stevenson mỗi khi đọc một đoạn văn hay, rán bắt chước
lối văn ấy. Cách đó có hại, vì như vậy văn ta thiếu phần đặc sắc (bắt chước
người thì khó hơn được người), nhưng trước khi có một lối văn đặc sắc,
chúng ta đều phải học lối hành văn của cổ nhân hoặc đàn anh đã.
Một việc nữa rất ích lợi là tập dịch những sách ngoại quốc và rán tìm tiếng
Việt để diễn đúng tư tưởng của tác giả.
Sau cùng, ta thường nên tập nói. Nhiều viết rất trôi chảy hoa mỹ mà nói thì
lúng ta lúng túng, như ríu lưỡi lại, mỗi khi đứng trước một đám đông.
Nhưng mặc, cứ tập nói đi, lúc đầu còn rụt rè, sợ sệt, ít lần sau sẽ quen.
Học tập cho dụng ngữ được phong phú, không phải là công việc một năm,
hai năm, mà là công việc suốt đời, luôn luôn phải gắng sức. Không lúc nào
được ngừng hết. Victor Hugo, tác giả bộ Les Misérable, bắt đầu học tiếng
Hi Lạp hồi năm mươi tuổi. Nhiều bạn chưa tới tuổi đó; vậy không thể nói
rằng muộn quá rồi không học được nữa. Sau cùng, phải kiên nhẫn. Edison
nói: “Thiên tài chỉ có năm phần trăm là cảm hứng, còn chín mươi lăm phần
trăm là công phu”. Những danh nhân còn phải tốn công như vậy, huống hồ
là chúng ta .
VIẾT VĂN CHO ÊM ĐỀM
Người Pháp nghe chúng ta nói tiếng Việt có cảm tưởng như chúng ta ca hát
vậy vì tiếng của chúng ta có đủ những âm ngắn (như ất), dài (như mười),
cao (như chính), thấp (như bột), trầm (như quả: có dấu ’ ), bổng (như viễn:
có dấu ~ ).