Như vậy thì lẽ nào ta mới dùng được 2.000 tiếng mà đã lấy làm mãn
nguyện? Phải học thêm tiếng mới. Trong khi đọc sách, gặp tiếng nào lạ,
phải tra nghĩa và bỏ ra một phút để nhớ nó. Nếu cần thì viết nó nhiều lần
lên giấy, rồi dùng nó trong câu chuyện hoặc trong khi viết.
Ta cũng phải dùng phương pháp của thầy thư ký trong một khách sạn tôi đã
kể chuyện ở trên kia, để nhớ tên những người mới quen. Được người khác
nhớ tên và mặt, ta vui vẻ hãnh diện bao nhiêu thì khi quên tên quên mặt
một người, cũng làm tổn thương lòng tự ái của người ấy bấy nhiêu. Nhiều
người, nhất là các chính khách, nhờ tài nhớ mặt nhớ tên người khác mà
được lòng nhiều người và nổi danh.
Mithridate, vua xứ Pont, ở thế kỷ thứ 2 trước Thiên Chúa giáng sinh nói
được 23 thứ tiếng và nhớ tên mỗi mình lính trong binh đội rất lớn của ông.
Périclès, Scipion, Xénophon, George Washington và Nã Phá Luân cũng có
tài nhớ tên người như vậy. Sở dĩ những vị thủ lãnh ấy được quần chúng
trung thành với mình là nhờ tài nhớ tên đó.
Quên tên một người quen, thì ta thường gặp những cảnh lúng túng và buồn
cười nếu ta không mau trí khôn như người trong câu chuyện dưới đây.
Người ấy gặp một bà mà quên hẳn tên bà ta. Bà này tinh ranh, mỉm cười
hỏi: “Ông quên tên tôi rồi. Ông mắc cỡ sao?”. Người kia đáp: “Thưa bà
không. Trái lại, trong mấy năm nay tôi rán quên bà mà không được chớ”.
Khi gặp ai lần đầu, ta phải chú hết ý vào nét mặt và tên người ấy. Các chính
khách có nhớ được tên nhiều người thì mới mong được cử tri bầu cho
mình.
Vidocq, nhà trinh thám đại tài của Nã Phá Luân, nhìn mặt ai một lần rồi thì
không bao giờ quên nữa. Delafranche là một tội nhân vượt ngục, trốn ra
ngoại quốc trên hai mươi năm, khi trở về thì hình dáng, nét mặt thay đổi