8. Ta có thể nhớ nhiều tên được nếu ta sắp đặt thành từng cặp có ý nghĩa rồi
chú ý tới từng cặp một, nhớ cặp ấy rồi mới qua cặp khác. Như có những tên
sau này: Hoàng, Dược. Nhật, Bắc thì ta nhớ thành hai cặp: Nhật Hoàng
(Hoàng đế nước Nhật), Bắc Dược (thuốc bắc).
Muốn nhớ những ý trong một câu chuyện hay một bài diễn văn, ta cũng
phải dùng phương pháp gợi hình ảnh. Các diễn giả đều cho đánh máy trước
những đại ý trong bài diễn văn, rồi trước khi lên diễn đàn nhìn vào những
hàng chữ đó để cho hình ảnh in trong óc và dễ nhớ.
Muốn nhớ một biến cố nào, mà ta đã mục kích, ta cũng phải bắt óc ta vẽ lại
hình ảnh những việc đã xảy ra trước và sau, vẽ lại hoàn cảnh và những
người có mặt tại đó. Muốn nhớ sử ký, cũng phải dùng cách ấy. Tưởng
tượng trong óc mình hình ảnh của một thời đại, rồi thời đại đó sẽ hiện ra
trước mắt ta, rõ ràng như hiện đại vậy.
Loài người khác loài vật ở chỗ biết liên tưởng. Và nhờ trí nhớ, ta mới liên
tưởng được. Bacon, một triết gia Anh nói: “Chúng ta hiểu biết được mọi sự
nhờ chúng ta có trí nhớ”. Vậy mà không luyện trí nhớ, để cho nó nhụt đi,
thì thật làm phí năng lực của ta một cách đáng xấu hổ.
Thượng Đế cho ta một bộ óc kỳ dị, làm được những việc kinh thiên. Phải
luyện nó, luyện trí nhớ, tập chú ý vào một hình ảnh cho tới khi hình ảnh đó
khắc vào tâm não mới thôi, và biết một điều gì thì mỗi khi gặp cơ hội, phải
dùng nó cho khỏi quên.
HỌC CÁCH LÀM CHO MAU THUỘC
Rất nhiều người phàn nàn không sao thuộc được một câu thơ hoặc một bài
diễn văn ngắn. Có lẽ nguyên do là tại không biết cách đọc.