Người ta thí nghiệm, thấy rằng cách mau nhất để thuộc một bài là đọc lại
nhiều lần từ đầu đến cuối. Nếu cần phải thuộc để rồi gấp sách lại lớn tiếng
đọc thuộc lòng, thì trong khi học cũng phải đọc lớn tiếng. Nên học một
mình trong một phòng tĩnh mịch.
Nhiều người học thuộc đoạn thứ nhất rồi mới học thêm một câu, thuộc câu
đó lại học câu khác, cho tới hết bài. Cách ấy có điều bất lợi là đoạn đầu
thuộc kỹ hơn những đoạn sau và trong khi học thuộc lòng, thường tới nửa
chừng, lúng túng, quên mất bài. Vậy nên đọc đi đọc lại từ đầu đến cuối, cho
tới khi thuộc lòng cả bài mới thôi.
Văn vần dễ học hơn văn xuôi vì có vần, có âm tiết, có bổng trầm nhịp
nhàng.
Học văn xuôi, có cách là nhớ nghĩa của bài, nhớ sự liên lạc giữa các ý. Có
người tìm những tiếng hoặc câu quan trọng nhất để học, nhưng như vậy,
khi học thuộc lòng dễ lộn, dễ quên vì họ chú ý tới những tiếng và câu đó
quá mà không để ý tới những đoạn khác. Thà học cho thuộc sự liên lạc giữa
các ý rồi tự đặt ra lời, như vậy còn hơn. Nhưng dù sao, vẫn phải đọc nhiều
lần lớn tiếng từ đầu tới cuối bài.
Có thể học một bài làm nhiều ngày. Kinh nghiệm chỉ cho ta rằng mỗi ngày
đọc hai lần trong 12 ngày, nhớ được nhiều hơn là đọc 24 lần luôn một lúc.
Không phải nhất định mỗi ngày đọc hai lần, có thể đọc 3, 4 lần được, hoặc
hai lần buổi sáng, hai lần buổi chiều, tuỳ sở thích và thì giờ của ta, tuỳ bài
dài hay ngắn. Sau khi đã đọc nhiều lần từ đầu tới cuối rồi, ta có thể gấp
sách, trả bài lại xem có thuộc không. Mỗi khi quên, ta ngó vào bài, kiếm
đoạn quên, rồi lại tiếp tục trả cho hết bài, đừng học lại cho thuộc đoạn quên
đó rồi mới tiếp tục trả nữa. Nguyên tắc là hễ đã đọc câu đầu thì phải đọc hết
bài, hễ đã trả câu đầu thì cũng phải trả hết bài