hàng, còn đối với chủ họ thì họ không phải là người bán hàng nữa.
Thử tự đặt mình vào địa vị người mướn bạn rồi tự xét bạn đi. Người đó
cũng muốn được tiến lên những địa vị cao hơn chứ? Mà bạn có làm gì để
giúp đỡ cho họ mau thành công không? Bạn chớ quên rằng nếu họ tiến lên
được thì cũng sẽ dắt bạn tiến lên theo.
Tôi không khuyên bạn bợ đỡ họ đâu. Không một người chủ sự nào thiếu
sáng suốt đến nỗi không thấy sự bợ đỡ là ti tiểu. Nhưng bạn có thể làm thân
với ông chủ
, giúp ông ý kiến và cùng bàn với ông về cách làm cho
công việc mau phát đạt. Như vậy, ông sẽ tin cậy nơi bạn, coi bạn như tay
chân và khi ông được thăng cấp, tất nhiên bạn được ông đưa lên địa vị cũ
của ông.
Vậy tài trí, sức lực, công việc của ta tức là món hàng của ta, ta phải biết
cách bán nó. Nhưng món hàng đó có giá trị không? Có bao giờ bạn dự bị
sẵn sàng để làm một công việc quan trọng hơn công việc đương làm
không?
Bạn đương làm kế toán trong hãng, bạn có học thêm về tài chánh, thuế
má… để có thể làm viên thủ quỹ được không? Thiếu gì cách học thêm: có
những trường dạy ban đêm, có những lớp hàm thụ. Nhưng khi kiếm trường
để học theo lối hàm thụ, bạn phải cẩn thận: nhiều trường hứa hẹn đủ thứ mà
không có kết quả gì hết. Phải xem giáo sư trong trường có tên tuổi không,
những sách họ dùng để dạy do tác giả nào viết. Bạn có thể mua sách báo về
học lấy được. Đọc hết những sách viết riêng về nghề của mình, bạn sẽ gặp
được nhiều ý mới giúp bạn tăng năng lực của bạn lên, nếu bạn thông minh,
biết áp dụng nó vào trường hợp riêng của mình. Có lần một ông chủ hãng
mướn một nhà chuyên môn tổ chức để kiếm cho hãng một phương pháp
làm việc cho có hiệu quả hơn. Ông ta trả công nhà chuyên môn đó rất hậu.
Mãi sau mới thấy rằng phương pháp người ấy kiếm ra đã đăng trong một
tạp chí từ lâu rồi mà ông không có thì giờ coi, cho nên không biết.