* Khéo léo dùng tiếng mẹ đẻ.
* Luyện trí óc và trí nhớ để có thể suy nghĩ sáng suốt và mau chóng được.
* Khéo bán công của mình và giữ sao cho người ta cần dùng mình hoài.
Bảy bước đó thật không khó khăn gì hết. Nó bình thường quá cho nên ít
người chú ý tới. Nếu nó là ngoại vật, có thể trông thấy, có thể vật lộn để
chiếm được thì tôi cam đoan rằng sẽ có nhiều người thành công lắm, nhưng
nó lại ở ngay trong tâm hồn ta cho nên mới khó thắng, vì ở đời không có gì
gay go bằng tự thắng mình hết.
Nếu bạn hỏi tôi đức nào cần thiết hơn cả, thì tôi sẽ đáp: đức kiên nhẫn, cứ
níu chặt lấy một việc mà ta đã bắt đầu làm. Biết bao nhiêu người có đủ điều
kiện để thành công mà rồi thất bại chỉ vì nửa đường bỏ dở. Họ khởi hành
mà không tới bến.
Có được bao nhiêu bạn tự học ở nhà mà rồi không bỏ dở? Tôi biết chỉ có
năm phần trăm học sinh theo lối hàm thụ là học hết được chương trình
được giấy chứng nhận của trường thôi. Có bao nhiêu người nhất quyết bỏ
mỗi ngày ít nhất là nửa giờ để học thêm, suy nghĩ và luyện trí óc? Và năm
năm sau còn bao nhiêu bạn tiếp tục công việc đó? Ít lắm. Có bao nhiêu bạn
đã thành gia, lập sổ chi thu và giữ sổ chi tiêu trong gia đình?
Đời như vậy đó. Thế giới đầy những kẻ khởi hành mà ít ai tới nơi tới chốn
được. Có lẽ tại lối dạy dỗ của thời đại này. Các nhà giáo dục luôn luôn rán
sức làm cho sự học được dễ dàng, không khác chi cho trẻ uống thuốc đắng
mà có bao đường, cho nên khi ở trường, thanh niên không thấy cần phải
khó nhọc tranh đầu, mồ hôi nước mắt mới được một nền giáo dục, mà bước
chân vào đời, không còn ai cho họ những viên thuốc bao đường đó nữa, họ
bỡ ngỡ không biết phải tranh đấu ra sao để tiến lên được.
Có đức kiên nhẫn, cứ giữ chặt lấy quyết định của mình, mặc nắng mặc
mưa, té rồi đứng dậy, thì mới lên tới những bậc thang cao nhất của danh