vọng được.
Ở đoạn thứ nhì trong chương I, tôi đã chỉ vài cách để luyện nghị lực. Xin
bạn luôn luôn mở ra coi lại và nhớ rằng dù có đủ những đức khác để thành
công mà thiếu nghị lực để tiếp tục luyện và thực hành những đức ấy, thì
cũng không có ích gì hết.
Bạn lại phải tránh những bọn vô liêm sĩ y như tránh bệnh dịch vậy. Trong
mấy năm gần đây, bọn đó tăng lên đông ghê gớm, vì cái thói mạt sát những
tin tưởng, tục lệ cổ truyền, những nghi lễ trong sự ăn ở hành động, đã thành
cái “mốt” rồi. Bạn nhận ra được bọn chúng chứ? Này, nghe chúng phê bình
này:
Tôn giáo ư? Cha chả! Mấy cha thầy chùa làm rùm beng lên chứ có nghĩa
khỉ gì?... Siêng năng làm việc và học thêm buổi tối ư? Ồ! Thời này làm ăn
có cha chú đỡ đầu và biết đi cửa sau là được… Ngay thẳng và thanh liêm
ư? Thôi mà! Hễ vơ được thì cứ vơ đi. Thiên hạ đều… Kiệm ước ư? Xin
đừng nhé. Ăn chơi cho sướng đã rồi chết, để chính phủ lo.
Họ tự cho là khôn lắm, nhưng thử xét kỹ xem, họ có đồng xu nào trong túi
không? Có công việc làm ăn không? Và có nhà cửa đàng hoàng không? Cái
khôn của họ có lợi gì đâu, phải không bạn? Vậy quên họ đi. Tránh họ đi.
Và xin bạn nhớ qui tắc thứ ba trong chương II: Giao du với những người
quyết tin ở thành công . Sự vui vẻ giao du với quân vô lại có thể là bằng
chứng một tâm hồn cao thượng được, nhưng bảo là một phương tiện để
thành công thì quyết là không phải.
Họ sở dĩ thành kẻ vô lại vì không có nghị lực, ý chí. Nếu ở gần họ hoài, ý
chí và nghị lực của bạn sẽ tiêu tan lần đi. Rồi đáng lẽ phải tự tạo lấy những
hoàn cảnh tốt cho bạn thì bạn lại nghĩ như chúng rằng bạn là nạn nhân của
hoàn cảnh ở ngoài ý muốn.