người lớn thì vô hiệu”.
Tôi hỏi:
- Tại sao vậy?
- Tại một khi ta đã lớn rồi, ta không thể thay đổi tính khí cùng tạp quán của
ta nữa.
Còn nhân sinh quan nào buồn chán hơn nữa không?
Nếu tôi chắc rằng không sao sửa được một thói xấu của tôi thì chỉ còn cách
nhảy xuống sông cho rồi đời, sống làm chi nữa?
Vị giáo sư dạy lớp ấy nói với tôi rằng hầu hết thanh niên bây giờ có quan
niệm ấy. Thực là tai hại. Thà họ đừng biết chút gì về tâm lý còn hơn là biết
một cách lờ mờ, sai lầm, nguy hiểm như vậy. Họ không biết rằng ý muốn
có hai thể: tĩnh và động. Thể tĩnh hướng dẫn ta trong hành động, còn thể
động giúp ta có năng lực và lòng kiên quyết.
Ông Charles M. Schwab nói: “Ta thành công nhờ nghị lực”. Chắc độc giả
tự nhủ: “Đúng lắm! Nhưng tôi cũng có nghị lực mà vẫn nghèo túng đây”.
Phải, có lẽ bạn có nhiều nghị lực thật, nhưng bạn có dùng nó không? và
dùng nó vào việc gì? Nếu bạn chỉ dùng nó để bắt các em nhỏ im đi cho bạn
đọc báo sau bữa cơm chiều (đó là thứ nghị lực tĩnh) thì không bao giờ bạn
giàu có được hết. Nhưng nếu bạn dùng nó để học hành thêm, để thúc giục
bạn trên một con đường đã vạch sẵn, tới một mục đích đã định sẵn (đó là
thứ nghị lực động) thì bạn còn hi vọng đấy.
Một nhà doanh nghiệp có danh nói: Ta có thể làm tăng gắp đôi số lợi tức
của ta bằng cách giản dị sau này: Việc gì phải làm thì làm ngay, việc gì
không cần làm thì đừng làm.