3. Cơn bão ở Iceland
Việc dính dáng tới một công ty ở một “thiên đường thuế” nếu bị phát
hiện thì không phải là điều dễ chịu với bất kỳ nguyên thủ quốc gia
nào. Nhưng với ông Gunnlaugsson, đây còn là một đòn giáng mạnh
vào liêm chính chính trị của ông.
Tên của nhiều quan chức Iceland đã xuất hiện trong tài liệu nội bộ của
Mossack Fonseca, trong đó có Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson,
Bộ trưởng Tài chính Bjarni Benediktsson và Bộ trưởng Nội vụ Ólöf
Nordal. Dữ liệu cho thấy cả ba chính trị gia này đều có liên hệ với các công
ty ẩn danh ở nước ngoài mà họ “quên” khai báo. Ngoài ra, “Hồ sơ Panama”
còn nhắc tới Hrólfur Ölvisson – Chủ tịch đảng Tiến bộ (đảng của ông
Gunnlaugsson), những người giàu có nhất Iceland, trong đó một số người
từng là chủ các ngân hàng lớn và ít nhất có một người là cố vấn cấp cao của
chính phủ. Số người bị đặt trong vòng nghi vấn nói trên cao một cách gây
sốc với một quốc gia chỉ có 330.000 người như Iceland.
Đầu năm 2016, Iceland vẫn là một quốc gia đang trong quá trình bình
phục từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vết đứt gãy mà cơn địa
chấn tài chính năm đó để lại Iceland khá sâu. Khi ấy, ba ngân hàng lớn nhất
Iceland là Landsbanki, Kaupthing và Glitnir đã sụp đổ gần như đồng thời
dưới sức nặng của món nợ nước ngoài, kích hoạt phản ứng dây chuyền
khiến thị trường chứng khoán giảm 90% giá trị, đồng krone mất một nửa
giá trị, tổng sản lượng quốc gia giảm 10%. Uy tín của Iceland tụt dốc thảm
hại. Hàng nghìn người biểu tình vây quanh quốc hội với nào đá, nào trứng.
Thế giới hoang mang trước sự sụp đổ của một quốc gia từng là mô hình
kiểu mẫu của vùng Scandinavi. Giới ngân hàng đã cho nhau vay những
khoản tiền không đảm bảo trị giá hàng trăm triệu USD để thao túng giá cổ
phiếu của ngân hàng mình. Để che giấu mục đích thật các giao dịch này,
trên giấy tờ, các khoản vay phần lớn có điểm đến là các công ty ở nước
ngoài. Theo “Hồ sơ Panama”, Mossack Fonseca đã thành lập nhiều trong
số các công ty này.