Các tầng lớp bí mật
Xét về một số khía cạnh, giám đốc bình phong chính là một dạng trá
hình. Các bên muốn giữ bí mật ở mức độ cao hơn sẽ thêm một lớp bảo vệ
nữa dưới dạng cổ phiếu vô danh. Loại hình sở hữu cổ phiếu ẩn danh này
hợp pháp ở một số “thiên đường trốn thuế”. Cổ phiếu vô danh chỉ là một
mảnh giấy đơn giản mà ai sở hữu toàn bộ cổ phiếu này sẽ sở hữu công ty.
Loại cổ phiếu này là một công cụ lý tưởng cho bất kỳ loại giao dịch làm ăn
nào cần che giấu dấu vết.
Dưới áp lực quốc tế, phần lớn các “thiên đường trốn thuế” giờ đã cấm cổ
phiếu vô danh. Nguyên nhân là ngày càng khó biện minh rằng cổ phiếu vô
danh là hợp pháp trong khi nó là một công cụ lý tưởng để rửa tiền. Tuy
nhiên, có nhiều cách khác để che giấu thân phận thật của chủ công ty.
Nhiều công ty được nhắc tên trong “Hồ sơ Panama” được thành lập kiểu
như búp bê Matryoshka của Nga: lật hết lớp này lại thấy lớp khác nhỏ hơn.
Cổ đông “ma” cũng có thể được sử dụng để che giấu sự thật. Cổ đông
này có thể là người hoặc công ty bình phong nắm cổ phiếu ủy thác, tức là
nắm cổ phiếu của một ai đó. Điều này nhìn chung là hợp pháp, trái với dịch
vụ giám đốc bình phong của Mossack Fonseca. Cho dù có nhiều lớp bí mật
hợp pháp, luật chống rửa tiền đòi hỏi phải có người thật sở hữu công ty.
Ngày nay, các ngân hàng uy tín chỉ mở tài khoản cho các công ty ở nước
ngoài nếu họ biết ai là chủ thực sự. Sau đó, ngân hàng sẽ kiểm tra lý lịch để
đảm bảo biết đang làm ăn với ai.
Theo “Hồ sơ Panama”, Mossack Fonseca liên tục gợi ý khách hàng tránh
khả năng bị kiểm tra lý lịch này. Với một số tiền chừng 5 con số, công ty
luật này cung cấp cho khách hàng một người đóng vai chủ sở hữu thật của
công ty. Một trong số những giám đốc bình phong “thượng hạng” này là
một người đàn ông tên là Edmund W., bố vợ cũ của Ramon Fonseca – một
trong hai chủ sở hữu của Mossack Fonseca. Việc của ông Edmund là đóng
giả làm người chủ thực sự. Tuy nhiên, Mossack Fonseca cho biết mình
không có dịch vụ này và bản thân ông Edmund thì từ chối bình luận.